Chia sẻ

Cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã nói chuyện về liên kết sản xuất và tiêu thụ với gần 40 nhà vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất xoài…

Là một trong 5 ngành hàng chủ lực của địa phương trong đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp”, toàn tỉnh hiện có trên 9.300ha xoài, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Trong đó, diện tích đang cho trái trên 8.000ha, sản lượng bình quân trên 87.000 tấn/năm, giống xoài chủ lực là xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ đối với ngành hàng này hiện đang gặp nhiều khó khăn do chưa có doanh nghiệp, cơ sở chế biến xoài; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; diện tích được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP chưa nhiều; thị trường tiêu thụ không ổn định.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, năm 2015, địa phương có trên 85 tấn xoài Cát Chu được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công. Việc xuất khẩu xoài vào các thị trường này diễn ra khá thuận lợi, với giá thu mua cao hơn thị trường trong nước từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Từ kết quả ban đầu về hợp tác tiêu thụ xoài với doanh nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhấn mạnh với nhà vườn sản xuất xoài Cao Lãnh phải giữ tốt mối quan hệ đối tác này bằng việc nâng cao chất lượng xoài, giữ uy tín với đối tác - đây là yếu tố rất quan trọng, nhất là đối với thị trường Nhật Bản.

Ông Lê Minh Hoan cũng bày tỏ trăn trở trước việc tại “thủ phủ xoài” được khen nức tiếng lại tràn ngập xoài Thái Lan, xoài Keo (Campuchia) với giá rất rẻ, còn xoài Cao Lãnh chi phí sản xuất lúc nào cũng cao. Cùng với đó là tỷ lệ hao hụt rất lớn khi vận chuyển đến thị trường xa hơn, nguyên nhân được xác định là bệnh thối đầu trái. Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, yếu tố quan trọng nữa để ngành hàng xoài của Cao Lãnh nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung không thua trên sân nhà, đó là liên kết giữa các nhà vườn, liên kết nhà vườn với doanh nghiệp, không nên đối chọi nhau mà phải chia sẻ lợi ích cho nhau.

Tại buổi nói chuyện, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cũng đã lắng nghe ý kiến của nông dân xung quanh vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản, như: Cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng để xử lý xoài ra hoa đạt tỷ lệ cao; sử dụng phân bón hợp lý trong canh tác để giảm chi phí sản xuất... Trước sự đồng hành liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài của Công ty TNHH Long Uyên, nông dân rất phấn khởi. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thu mua tất cả sản phẩm của bà con nếu đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp (không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trái không nhỏ hơn 230g). Tuy vậy, nông dân cũng bày tỏ lo ngại về quy trình, cách thức thu mua, giá cả nông sản, nỗi lo đầu ra sẽ khó khăn khi giá cả bấp bênh… Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng, trong thời buổi kinh tế hội nhập, sản phẩm xoài không chỉ cạnh tranh với sản phẩm cùng loại các tỉnh bạn mà còn cạnh tranh với các sản phẩm từ nước ngoài. Vì vậy, nông dân cần năng động, sáng tạo, bắt tay tạo sức mạnh tập thể, xây dựng nét độc đáo riêng từ trái xoài...

Bà con nông dân tin rằng, với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, trái xoài Cao Lãnh sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

PHÙ SA

Tin cùng chuyên mục