Chiến binh - cảm xúc và gần gũi

Chiến binh - cảm xúc và gần gũi

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa dàn dựng xong vở cải lương Chiến binh (tác giả: Chu Lai, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu, thiết kế sân khấu: NSND Phan Phan), với sự tham gia của các NSƯT Quế Trân, Tấn Giao, Trọng Phúc cùng các diễn viên Lê Tứ, Điền Trung, Dương Thanh, Quốc Kiệt, Kim Luận, Nguyễn Minh Trường… Vở sẽ ra mắt vào ngày 18-4, nhân dịp khánh thành rạp hát Hưng Đạo - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Những người lính quả cảm

​Câu chuyện về những người lính đội an ninh biệt động của nhà văn Chu Lai từng được dàn dựng trên sân khấu chèo với tên gọi Người chiến sĩ năm xưa. Vở chèo đã xây dựng thành công hình ảnh người lính Hà Nội anh dũng, kiên trung và cũng không kém phần lãng mạn. Nay, câu chuyện ấy được tác giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương. Chiến binh lấy bối cảnh những người lính hoạt động trên chiến trường miền Nam.

Sự đắt giá của câu chuyện chính là việc khai thác mới lạ cả hai tuyến nhân vật: những người lính kiên trung, anh dũng, quả cảm, tình nghĩa và những người lính dẫu đã đi theo con đường đấu tranh chính nghĩa, vì độc lập tự do dân tộc, nhưng tự sâu thẳm trong góc khuất của tâm hồn vẫn vương mang sự toan tính, cơ hội, sống giả dối, chỉ mong được mưu cầu danh lợi, quyền lực, bất chấp sự an nguy của đồng đội, bạn bè. Chính sự đối nghịch giữa hai tuyến nhân vật càng tô đậm tính cách đáng quý của những chiến binh thật sự - tính cách mạnh mẽ, ngay thẳng, tinh thần kiên định, sẵn sàng đấu tranh vì lẽ phải, quên mình trong chiến đấu vì một niềm tin tương lai: Đất nước hòa bình, thống nhất!

Một cảnh trong vở cải lương Chiến binh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Câu chuyện xoáy vào nhân vật Sáu Thành (NSƯT Trọng Phúc) - người lính sống nội tâm và rất thẳng tính. Chính vì cá tính mạnh mẽ đó mà anh không ít lần không làm theo lời chỉ huy, những chiến thuật đánh địch anh đưa ra dù đạt được kết quả tốt nhưng cách làm việc của anh khiến nội bộ xảy ra nhiều tranh cãi. Khi chỉ huy đội Hai Lục Bình (NSƯT Tấn Giao) bị thương nặng trong một trận chiến, phải lui về hậu phương, chiến sĩ Bảy Tân (NS Lê Tứ) đã lên thay, đảm nhiệm vai trò chỉ huy. Trong đội, Bảy Tân là người tham vọng, ham quyền lực, làm việc gì cũng luôn tính toán chuyện có lợi cho cá nhân. Trong khi Sáu Thành hết lòng vì công việc, vì nghĩa tình đồng đội, nỗ lực làm việc vì lợi ích chung của tập thể dù trong chiến tranh hay thời bình, thì Bảy Tân lại thể hiện tính đối kháng với nhân vật chính diện bằng việc trù dập người làm được việc, âm mưu sát hại người muốn tố cáo chuyện xấu, vì quyền lợi cá nhân mà sẵn sàng hy sinh bao cuộc sống, sinh mạng của người khác… Từ trong chiến tranh đến hòa bình, hai tuyến nhân vật này luôn tạo nên sự căng thẳng với những xung đột về tính cách, quan điểm sống, phong thái làm việc…

Dàn dựng hấp dẫn

Vở diễn được NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng đầy sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong kỹ thuật xử lý ánh sáng, với sự hỗ trợ thêm về hình ảnh 3D: cảnh rừng rậm, con suối, những trận càn, trận đánh rầm rập, quyết liệt giữa ta và địch... Tuy cảnh trí không nhiều nhưng nhờ sự sắp đặt khéo léo kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật 3D, cùng lối diễn xuất chắc tay, giọng ca ngọt ngào, mượt mà của dàn nghệ sĩ trẻ, tài năng, tâm huyết với nghệ thuật sân khấu cải lương đã giúp vở diễn tăng thêm sức hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn.

Trong dàn diễn viên, NSƯT Quế Trân trong vai Út Vân thật dễ thương. Mới 17 tuổi, Út Vân đã theo kháng chiến, làm lính cứu thương. Sau khi được cử đi học, Út Vân trở thành một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đầy bản lĩnh. Dẫu thời gian qua đi, cô vẫn luôn sống bằng tâm hồn người lính, tin vào đồng đội, những người anh một thời đã hy sinh một phần cơ thể của mình trên chiến trường. NSƯT Trọng Phúc hoàn thành vai diễn khá xuất sắc bằng lối diễn xuất tự tin, sắc nét cùng với ưu điểm về sắc vóc, giọng ca trầm ấm, truyền cảm. Bằng sự làm nghề nghiêm túc, nhiệt tình, có sự đầu tư, tìm hiểu sâu về nhân vật, anh đã tạo nên một người chiến sĩ cách mạng Sáu Thành đầy bản lĩnh trên chiến trận, hiểu và nắm rõ bản chất của kẻ thù để có luôn những quyết định chính xác trong tác chiến với địch; kiên cường, cứng rắn trong đấu tranh vì lẽ phải và cũng rất yếu mềm trước tình cảm trong sáng của Út Vân - cô gái anh vẫn âm thầm yêu thương.

Trong vở, nghệ sĩ Lê Tứ đảm nhiệm vai nhân vật Bảy Tân khá tròn, dù đây là một vai hơi lạ so với hàng loạt vai diễn trước đây của anh - các nhân vật hiền lành, chân chất, mộc mạc, sống chân tình... Khi đảm nhiệm nhân vật Bảy Tân, dù đây là vai thứ chính, nhưng Lê Tứ vẫn tạo được sức cuốn hút riêng bằng lối diễn sinh động, tinh tế, chất giọng ấm, lời thoại lúc nhũn nhặn với người trên, lúc gay gắt ầm ào với cấp dưới.

​Những cảm xúc rất riêng của mỗi nghệ sĩ dành cho những người chiến sĩ cách mạng năm xưa đã giúp vở diễn thêm sống động, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Đây là một vở cải lương về đề tài chiến tranh được đầu tư dàn dựng công phu, kéo dài từ quá khứ đến hiện tại - sau ngày giải phóng, mang nhiều ý nghĩa, có giá trị thiết thực với cuộc sống hiện nay.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục