Chiến lược của Trung Quốc tại Afghanistan

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai ngày 24-3 bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc. Tháp tùng phái đoàn, ngoài các quan chức quốc phòng và ngoại giao còn có 20 nhà kinh doanh. Tổng thống Hamid Karzai sẽ gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc. Quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và nước láng giềng phía Tây-Bắc ngày càng được củng cố trên nhiều mặt.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai ngày 24-3 bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc. Tháp tùng phái đoàn, ngoài các quan chức quốc phòng và ngoại giao còn có 20 nhà kinh doanh. Tổng thống Hamid Karzai sẽ gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc. Quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và nước láng giềng phía Tây-Bắc ngày càng được củng cố trên nhiều mặt.

Afghanistan có vị trí quan trọng, là một trong các nước giáp với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc. Từ lâu, Bắc Kinh rất quan ngại các hoạt động buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí và nhiều loại tội phạm khác, kể cả khủng bố từ Afghanistan vượt biên giới vào Trung Quốc. Xem ra, Afghanistan là mắt xích còn khá lỏng lẻo trong một chuỗi các nước láng giềng trải dài từ phía Tây lên Tây Bắc của Trung Quốc.

Ở sườn phía Tây, Pakistan từ lâu đã là đồng minh của Trung Quốc. Các nước Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan là thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) chung với Trung Quốc, Nga và Uzbekistan. Trong khi đó, tình hình Afghanistan vẫn chưa ổn định cùng lúc với sự hiện diện của quân NATO mà Trung Quốc từ lâu đã phản đối.

Hơn ai hết, Trung Quốc phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Afghanistan nhưng lại ủng hộ nỗ lực của cộng đồng thế giới nhằm ổn định tình hình tại nước Trung Á này. Một Chính phủ Afghanistan mạnh, đoàn kết sẽ là điều kiện quan trọng không những để ổn định tình hình trong nước mà còn làm giảm các hoạt động tội phạm xuyên biên giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng thống Karzai nói: “Trung Quốc đặt trọng tâm vào mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Afghanistan. Chúng tôi hiểu những thách thức mà Afghanistan đang đối mặt và chúng tôi rất quan tâm đến điều đó”.

Mặc dù không đưa quân sang Afghanistan nhưng những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã gia tăng trợ giúp cho quân đội Afghanistan, xem đó là một trong những phương cách tốt nhất để hỗ trợ ổn định tình hình Afghanistan. Tổng số tiền Trung Quốc viện trợ cho Chính phủ Afghanistan từ năm 2002 tới nay ở mức 250 triệu USD.

Quan trọng không kém là quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trung Quốc đã biết nắm lấy cơ hội khi Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Kabul dùng nguồn tài nguyên phong phú của họ để phát triển kinh tế. Theo ước tính, trữ lượng dầu và khí đốt của nước này vẫn còn rất lớn vì chưa được khai thác.

Tập đoàn Metallurgical của Trung Quốc từ năm 2007 đã đầu tư 3,5 tỷ USD để khai thác đồng tại Aynak. Đây là nơi có trữ lượng đồng được xem là lớn nhất thế giới. Khoản đầu tư nước ngoài này tới nay được xem là lớn nhất tại Afghanistan. Khi đi vào khai thác từ năm 2013, ngoài việc cung cấp hàng chục ngàn việc làm, dự án này sẽ đem về hàng năm 400 triệu USD cho Afghanistan, chiếm hơn một nửa ngân sách của chính phủ nước này.

Tổng thống Hamid Karzai từng công khai phát biểu rằng ông muốn đưa Afghanistan phát triển theo mô hình thành công của “nền dân chủ kiểu Mỹ và kinh tế Trung Quốc”. Chưa rõ là mô hình của Afghanistan có thành công hay không nhưng trước mắt chắc chắn rằng người Mỹ sẽ tiếp tục trả giá bằng cả tiền và máu cho cuộc chiến tại Afghanistan. Còn Trung Quốc sẽ thu về nhiều lợi nhuận từ các hợp đồng kinh tế tại Afghanistan. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục