Trung Quốc đang cố gắng hết mình thực hiện biện pháp kinh tế ngắn hạn để đối phó với khủng hoảng kinh tế như “chuyển hướng” từ dựa vào xuất khẩu làm chính sang lấy tiêu thụ nội địa làm chủ.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn thực hiện một chiến lược khác được các chuyên gia kinh tế mệnh danh là “chiến lược hướng ngoại”: mua lại các công ty Âu-Mỹ để tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hay làm chủ các nguồn tài nguyên để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước, đồng thời vượt qua các biện pháp bảo hộ của châu Âu và Mỹ.
Trong 5 tháng đầu năm 2009, tổng đầu tư của Trung Quốc tăng hơn 30% so với cùng thời kỳ năm ngoái nhờ vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Với đà này, Ngân hàng Thế giới phải thừa nhận rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2009.
Song song với nỗ lực tăng thêm sức mua cho tư nhân để giúp cho guồng máy sản xuất tiếp tục hoạt động, Trung Quốc vẫn tiếp tục chi ra hàng chục tỷ USD để “chen chân” vào các tập đoàn Âu-Mỹ. 10% số vụ sáp nhập công ty trên thế giới trong 6 tháng qua là do phía Trung Quốc chủ động.
Với khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 2.000 tỷ USD, Bắc Kinh luôn tìm kiếm những dự án đầu tư có tiềm năng sinh lời cao, mở rộng tầm hoạt động của các tập đoàn lớn bằng cách mua lại một phần vốn hay hợp tác với các công ty nước ngoài.
Chiến lược hướng ngoại này vừa cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên tầm cỡ quốc tế, vừa để đầu tư vào một số lĩnh vực dài hạn khác. Phó Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Global Gestion của Pháp, chuyên gia về các thị trường nguyên liệu quốc tế, ông Jean Bernard Guyon nhận xét rằng, chiến lược của các công ty Trung Quốc nhằm bảo đảm tối đa các nguồn cung cấp nguyên liệu bằng nhiều cách: mua lại một phần vốn của một công ty quặng mỏ nào đó của thế giới; hoặc bằng cách tích lũy một khối lượng nguyên hay nhiên liệu khi mặt hàng đó đang hạ giá.
Ngoài ra, trong tiến trình vươn ra quốc tế, Trung Quốc còn nhắm đến các công nghệ cao do các nước phương Tây độc quyền, tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc, coi đây là một phương tiện để nhanh chóng tìm lại nhịp độ tăng trưởng mạnh như trước khi xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chiến lược hướng ngoại này cũng gặp nhiều trắc trở. Điển hình là kế hoạch mua lại Công ty Khai thác quặng sắt Rio Tinto của Australia và Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc CNOOC thất bại trong việc mua lại Unocal của Mỹ hồi năm 2005.
Mặt khác, chính sách khuyến khích đầu tư và tiêu thụ của Trung Quốc cũng ẩn chứa rủi ro về nợ khó đòi, khi các ngân hàng Trung Quốc cho vay để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư dẫn tới khả năng không chi trả nổi của các hộ gia đình và một số doanh nghiệp. Nếu ngân hàng Trung Quốc đột ngột tăng lãi suất, sẽ gây ra làn sóng phá sản của hàng loạt công ty và hộ dân.
Một rủi ro khác nữa cũng được cảnh báo là các doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn của hiện tượng “quá tải”, dư thừa phương tiện và điều kiện để sản xuất nhưng lại không bán được hàng do sức mua của các nền kinh tế công nghiệp phát triển chưa tăng trở lại.
VIỆT LÊ