Chiếu chèo cho người trẻ

Trong đêm Gala Chèo 48h vừa tổ chức tại đình Kim Ngân (Hà Nội), khán giả không khỏi bất ngờ khi người làm chủ sân khấu không phải là những nghệ sĩ quen thuộc của làng chèo mà là những gương mặt mới toanh - những diễn viên nghiệp dư 9X đến từ các trường đại học ở Hà Nội. Giọng hát chưa thật mượt, tay múa chưa thật dẻo song đổi lại, người xem lại cảm nhận được không khí say sưa, đầy nhiệt huyết của chiếu chèo dành riêng cho người trẻ.
Chiếu chèo cho người trẻ

Trong đêm Gala Chèo 48h vừa tổ chức tại đình Kim Ngân (Hà Nội), khán giả không khỏi bất ngờ khi người làm chủ sân khấu không phải là những nghệ sĩ quen thuộc của làng chèo mà là những gương mặt mới toanh - những diễn viên nghiệp dư 9X đến từ các trường đại học ở Hà Nội. Giọng hát chưa thật mượt, tay múa chưa thật dẻo song đổi lại, người xem lại cảm nhận được không khí say sưa, đầy nhiệt huyết của chiếu chèo dành riêng cho người trẻ.

Các bạn trẻ say sưa với Chèo 48h.

Hào hứng với chèo

Lê Thị Cẩm Tú, cô sinh viên phụ trách truyền thông của dự án, cho biết: “Cho tới nay, khóa học “Chèo khám phá” đã thu hút hơn 30 bạn trẻ tham dự và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Các bạn đến từ nhiều trường đại học và THPT trên địa bàn Hà Nội, như Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, THPT Kim Liên... học viên ít tuổi nhất sinh năm 2000, mới chỉ học cấp 2. Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương là một dự án phi lợi nhuận, được phát triển từ ý tưởng “Mang chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ” - đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng - Tôi 20” của nhóm sinh viên Tôi 20. Được thành lập vào năm 2013, nhóm tập hợp sinh viên của nhiều trường đại học ở Hà Nội nhằm thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, giúp nhau cùng phát triển. Dự án được khởi động từ ngày 1-7 dưới sự bảo trợ của nhóm Tôi 20, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc... bao gồm hai hoạt động chính là “Chèo khám phá” (khóa học chèo cho các bạn trẻ) và “Chèo trải nghiệm” (chuyến đi thực tế về một trong những cái nôi của chèo - làng Khuốc - Thái Bình).

Với học viên tham gia khóa đào tạo “Chèo khám phá” suốt hơn một tháng nay thì nhờ dự án Chèo 48h, họ đã có những ngày hè không thể nào quên. Bạn Nguyễn Thị Thanh Hà, sinh viên Trường Đại học Hà Nội, cho biết: “Cứ thứ hai, tư, sáu hàng tuần, 30 bạn trẻ thế hệ 9x chúng tôi lại tập hợp cùng nhau say sưa học hát, học diễn và tìm hiểu nghệ thuật chèo dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Tuấn Cường, cô Trịnh Huyền và rất nhiều nghệ sĩ. Nhìn các thầy cô hào hứng giảng bài, dù mướt mồ hôi trên sàn tập mà nụ cười vẫn tươi trên môi, tôi thấy cảm phục lòng yêu nghề và tâm huyết của họ. Nghệ thuật là tình yêu, mà tình yêu thì tuyệt đối không thể hời hợt. Thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà đã thắp lên trong mỗi chúng tôi ngọn lửa tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống. Mỗi buổi học, được hóa thân vào nhân vật mẹ Đốp, ngân nga điệu “sắp thường”, tập câu nói “lệch”, nghe thầy kể chuyện, tôi càng thêm hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống”.

Từ sự tò mò, các bạn trẻ thế hệ 9x đã đến và say mê chèo từ lúc nào không biết dù so với lứa tuổi các bạn, từng điệu hát, từng lời hát chèo cổ đều rất khó nhớ, khó thuộc… Tuy nhiên, để duy trì được hoạt động này, ban tổ chức cũng gặp không ít khó khăn, nhiều thành viên tham gia dự án tâm sự, khó khăn nhất để nhóm hoạt động là mảng xin tài trợ và nguồn kinh phí. Tiền tài trợ không nhiều, nên nhóm đã phải tổ chức đêm nhạc gây quỹ.

Cần nhiều khóa học như vậy

Nghệ sĩ Tuấn Cường, người thầy tham gia khóa đào tạo, nhận xét: “Khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã giới thiệu các em với tôi, tôi nhận lời giảng dạy vì thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Thời điểm này mà vẫn có những bạn trẻ mong muốn đến tìm hiểu chèo, diễn chèo thì bất cứ người nghệ sĩ nào cũng không thể từ chối. Khóa học diễn ra chỉ trong 8 đến 10 ngày quả là ít ỏi so với việc học làm diễn viên chuyên nghiệp phải mất 4 năm. Thế nhưng, để tìm hiểu và để diễn được một trích đoạn chèo đối với các bạn trẻ đã là điều vô cùng đáng quý. Trong quá trình dạy và học, tôi thấy các em rất có ý thức và tiếp thu rất nhanh, nếu các em được học hành và tham gia các chương trình như sân khấu học đường chắc chắn sẽ còn hiệu quả hơn”. Cũng như nhiều bạn trẻ ban đầu đến với khóa học này chỉ vì tò mò, song Giáp Trọng Đức, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chỉ một thời gian ngắn được tìm hiểu, giảng giải những kiến thức cơ bản nhất về chèo đã có nhìn nhận mới về nghệ thuật truyền thống. Trọng Đức thổ lộ: “Chèo không chán như trước đó mình vẫn nghĩ!”. Còn với Thanh Hà (sinh viên Đại học Hà Nội) thì đến với chèo là một trải nghiệm thực sự thú vị.

Một khóa học đầy ý nghĩa, mới chỉ được tổ chức lần đầu tiên do nhóm sinh viên có nhiệt huyết với nghệ thuật truyền thống như vậy có thể xem là đã thành công trên cả mong đợi. Hy vọng tình yêu nghệ thuật của nhóm các bạn trẻ này sẽ còn liên tục được tiếp nối trong tương lai.

Sẽ không dừng lại ở chèo, từ năm 2015, dự án phát triển âm nhạc truyền thống này sẽ mở rộng ra các loại hình nghệ thuật dân gian như xẩm, quan họ, hát ru... Nói như nghệ sĩ Khương Cường - người sát cánh cùng các bạn trẻ trong dự án này: “Hy vọng với tấm lòng thiện nguyện của những người tham gia, dự án có thể phát triển để lưu lại trong giới trẻ một chút những loại hình nghệ thuật được coi là hồn cốt của dân tộc”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục