Trong phiên họp sáng nay 25-10, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 thành viên được Quốc hội bầu và phê chuẩn bằng bỏ phiếu kín. Đầu giờ chiều, Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Sau đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là lần thứ 3, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. 2 lần trước đó diễn ra vào năm 2013 và 2014. Sau này, Quốc hội quyết định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi khóa vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Theo danh sách, có 48 người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa được bổ nhiệm tại kỳ họp này nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định để lấy phiếu tín nhiệm.
Theo quy định, trên phiếu lấy tín nhiệm ghi họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp (3 mức).
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.
Danh sách lấy phiếu tín nhiệm gồm: Khối Chủ tịch nước có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Khối Quốc hội gồm 18 người:, Chủ tịch Quốc hội nước Nguyễn Thị Kim Ngân; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khối Chính phủ gồm 26 người là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ. Khối Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Kiểm toán nhà nước gồm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề của xã hội cho rằng, về cơ bản, các tư lệnh ngành đều cố gắng, nhưng sẽ có một số tư lệnh ngành không chỉ vì do lỗi điều hành của cá nhân mà do tồn tại của các ngành đó kéo dài nhiều năm. Đến bây giờ, các tư lệnh ngành mới được 2,5 năm chưa thể khắc phục được tồn tại đó cho nên cũng phải chịu dư luận nặng nề. Ví dụ y tế, giáo dục là các lĩnh vực chịu trách nhiệm trước dư luận.
“Nhưng tôi nghĩ rằng từ việc bỏ phiếu như thế này các tư lệnh ngành sẽ thấy việc của ngành mình bức xúc đến mức nào, tồn tại của ngành mình đang gây cho người dân và ĐBQH bức xúc gì để người ta khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Đây là động lực để các tư lệnh ngành vươn lên”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho biết, khi “chấm điểm” các chức danh, ĐB sẽ chú ý tới cá nhân người được bỏ phiếu như thế nào, tiếp đến là hiệu quả trong công việc chung. “Xuất phát điểm của các chức danh là khác nhau, ví dụ có những bộ ngành, lĩnh vực nhiều tồn đọng từ thời gian trước, có thể tới ngày hôm nay, kết quả thực hiện được chưa phải là hoàn hảo nhưng có tiến bộ thì cũng nên được đánh giá", ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói.
Tiếp đó, ở lĩnh vực được giao, vai trò cá nhân của chức danh đó đóng góp như thế nào, thể hiện ra làm sao, các ĐBQH đã có hơn nửa nhiệm kỳ để theo dõi, giám sát, phân tích, đánh giá, vì thế kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ chính xác.
“Riêng cá nhân tôi đánh giá cao lĩnh vực công thương, ngân hàng thời gian qua có nhiều cố gắng, còn đánh giá thấp nhất là về giáo dục, y tế. Tôi hoàn toàn chưa yên tâm về 2 lĩnh vực này”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, ngành giáo dục chẳng hạn, đây là một lĩnh vực nhạy cảm, tác động trực tiếp tới từng gia đình. Thời gian qua tuy toàn ngành đã có những cố gắng nhưng với tất cả những “khủng hoảng”, tiêu cực xảy ra thời gian qua, nhất là gian lận thi cử thì “tôi chưa thấy được vai trò đầu tàu, sự quyết liệt và giải pháp để xử lý một cách rốt ráo”.