Triển lãm công nghệ thông tin và giải trí điện tử thường niên ChinaJoy 2015 (tổ chức tại TP Thượng Hải – Trung Quốc từ ngày 30-7 đến 2-8) đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng game trên toàn thế giới.
Không nằm ngoài cuộc chơi, lần đầu tiên, một số NPH Game lớn tại Việt Nam cũng hiện diện tại ChinaJoy 2015 với mong muốn giới thiệu thương hiệu, danh tiếng của công ty mình đến các đối tác quốc tế.
Tham gia triển lãm kỳ này, đại diện cho Việt Nam có ME Corp, VNG, VTC Intecom, Appota, Soha Game và FGame. Đây đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực giải trí số trong nước.
ME Corp hiện đang dẫn đầu mảng giải trí di động có hơn 33 triệu người dùng và là nhà phát hành game di động lớn tại Việt Nam. Hai tựa game di động Mộng Giang Hồ và Age Of Warrios cùng Mạng xã hội Mobo là những sản phẩm mang tính chiến lược mà ME Corp mang đến triển lãm. Trong đó, Mobo là cổng phát hành game nhưng tích hợp tính năng mạnh xã hội. Ứng dụng cho phép người chơi có thể chat, xem tin tức ngay trong game, đồng thời Mobo cũng giúp các nhà phát triển game quảng bá sản phẩm của mình đến khách hàng.
VNG cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm mang lại doanh thu lớn như Dota Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ 3D Mobile, hay cả Zalo. Trong khi đó, VTC Intecom mang đến triển lãm không chỉ sản phẩm Game mà cả những sản phẩm đặc trưng do chính công ty phát triển như Ví điện tử, Cổng thanh toán VTC Pay và dịch vụ Thương mại điện tử VTC 365.
Đại diện ME Corp khẳng định, China Joy 2015 không chỉ là nơi những nhà phát hành giới thiệu các sản phẩm con cưng của mình, mà đây còn là nơi minh chứng những tham vọng của các nhà phát hành trong nước. Góp mặt trong sự kiện ChinaJoy 2015, ME Corp hay các doanh nghiệp Việt Nam khác đều kỳ vọng đưa thương hiệu ra thị trường quốc tế. Đồng thời qua đó tìm kiếm các cơ hội hợp tác cũng như trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các đối tác quốc tế.
Được biết, hiện diện tại China Joy 2015 còn có không ít các tập đoàn CNTT lớn của thế giới như Blizzard, EA… cũng như là một số doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong ngành như Perfect World, Tencent, NetEase… So về danh tiếng và năng lực, rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể sánh bằng. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Việt Nam chủ động “mang chuông đi đánh xứ người” được xem là bệ phóng rất tốt cho họ trong vấn đề tiếp cận, hội nhập và hợp tác cùng các tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giải trí điện tử hiện nay.
|
Tường Hân