Chính kịch vẫn hút khán giả miền Tây

Kịch vẫn có đất diễn ở miền Tây. Đó là tín hiệu vui cho sân khấu Cần Thơ, sân khấu đồng bằng.

Kịch vẫn có đất diễn ở miền Tây. Đó là tín hiệu vui cho sân khấu Cần Thơ, sân khấu đồng bằng.

"Tôi mở hé cánh gà, nhìn xuống sân khấu thấy khán giả theo dõi rất chăm chú, lúc im phăng phắc, lúc vỗ tay rào rào. Họ đã hòa vào từng tình huống nhân vật và lời thoại của diễn viên. Khán giả Cần Thơ thật dễ thương. Miền Tây là cái nôi cải lương nhưng qua đêm nay tôi thấy không chỉ vậy…”, Phó Giám đốc Sân khấu Nhỏ 5B TPHCM - NSƯT Mỹ Uyên, phấn khởi chia sẻ. Đêm đó, kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), vở kịch ăn khách với hơn 1.000 suất diễn “Dạ cổ hoài lang” của nhà hát cùng các diễn viên NSƯT Việt Anh, NSƯT Thanh Hoàng, diễn viên điện ảnh Quý Bình, nghệ sĩ trẻ Quỳnh Anh... ra mắt khán giả Cần Thơ tại Nhà hát Tây Đô.

“Mấy đứa nhỏ gạt nói đi nghe ca “Dạ cổ hoài lang”, ai dè là… kịch, là chuyện thời nay. Nhưng coi cũng hay. Xa quê ai chẳng nhớ như 2 ông già trên sân khấu dạy sắp nhỏ sống nay phải nhớ đất đai cha mẹ mình. Tôi ngồi coi đến hết tuồng nghe”, cụ bà Tám Xinh, gần 70 tuổi, ở phường An Nghiệp, cười móm mém. Có bạn trẻ đặt 4 - 5 vé qua mạng, trước cả tuần. Gần buổi diễn khán giả vẫn đến hỏi vé. Hơn 250 vé (150.000 đồng/vé) đã được bán ra.

Kịch “Dạ cổ hoài lang” là loại hình chính kịch nhưng vẫn lay động khán giả miền Tây nhờ “lực diễn” của các nghệ sĩ, đặc biệt cách “diễn như không diễn” của 2 nghệ sĩ gạo cội Thanh Hoàng và Việt Anh. Lời thoại ngắn gọn, bình dân, dí dỏm nhưng nói được những vấn đề cả xã hội đang trăn trở… Điều này gợi nhớ cách đây hơn 10 năm, những vở chính kịch của tác giả Lưu Quang Vũ được những diễn viên kịch Hà Nội mang vô Cần Thơ biểu diễn liên tiếp nhiều đêm liền. Kịch vẫn có đất diễn ở miền Tây. Đó là tín hiệu vui cho sân khấu Cần Thơ, sân khấu đồng bằng. Và cũng mở ra bước đi xã hội hóa hoạt động sân khấu của Nhà hát Tây Đô.

“Chúng tôi luôn mong muốn tiếp tục hợp tác với Nhà hát Tây Đô, vừa tạo sân chơi mới cho anh em nghệ sĩ, vừa mang thêm món ăn tinh thần đến với bà con mến mộ...”, Phó Giám đốc Sân khấu Nhỏ 5B TPHCM Mỹ Uyên khẳng định. Và vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa từ những người quản lý cùng sự chia sẻ từ các doanh nghiệp cho loại hình sân khấu này vững chân trên đất đồng bằng. Người Cần Thơ, người đồng bằng lại có cơ hội tái ngộ các nghệ sĩ tài năng của TPHCM qua Tuyết đỏ, Đêm định mệnh, Sống thử, Nơi tình yêu bắt đầu...

Sân khấu phương Nam luôn năng động, tìm tòi để khẳng định chính mình.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục