Chính phủ cần cam kết không xin kéo dài tiến độ thêm lần nữa

Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian vì từ nay đến hết năm 2024 chỉ còn hơn 1 năm; yêu cầu Chính phủ không để xảy ra tình trạng tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh thời gian trong các giai đoạn tiếp theo.
Một góc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Đồng Nai
Một góc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Đồng Nai

Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội (ĐB) vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến ĐB phục vụ cho phiên thảo luận tại hội trường về điều chỉnh một số nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo báo cáo, đã có 76 lượt ý kiến phát biểu tại tổ về vấn đề này.

Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với việc kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án để phù hợp với tiến độ hiện nay, song một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian vì từ nay đến hết năm 2024 chỉ còn hơn 1 năm; yêu cầu Chính phủ không để xảy ra tình trạng tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh thời gian trong các giai đoạn tiếp theo; làm rõ cam kết, cơ sở để hoàn thành dự án đúng hạn.

Nhiều ý kiến yêu cầu đánh giá việc điều chỉnh thời gian này có ảnh hưởng như thế nào đến lộ trình thực hiện giai đoạn 1 (trong năm 2025 phải đưa vào khai thác Dự án Cảng HKQT Long Thành) để có phương án xử lý tổng thể.

Về kéo dài thời gian giải ngân vốn, nhiều ý kiến nhất trí về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024. Tuy nhiên, đáng lưu ý, cũng có một số ý kiến cho rằng, Quốc hội đã phê duyệt quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2021, do đó, việc Chính phủ kiến nghị “cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024” là không khả thi, không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; đề nghị hủy dự toán đối với phần không hoàn thành. Chính phủ cần rà soát lại nội dung này để đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ số vốn chưa giải ngân hết của năm 2020 và năm 2021 (2.510,372 tỷ đồng) đã được hủy bỏ theo quy định hay chưa, hay đã được chuyển nguồn, có phù hợp với quy định pháp luật và đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024 hay không?

ĐB cũng đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về tác động của việc kéo dài thời gian giải ngân đối với số vốn nói trên cũng như tính khả thi, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn về nội dung chậm trình Quốc hội việc giải ngân vốn vì nguồn vốn được giao đã hết hạn từ năm 2021 nhưng đến tận cuối năm 2023 Chính phủ mới trình xin ý kiến Quốc hội, từ đó có giải pháp để thực hiện tốt hơn, không phải trình Quốc hội điều chỉnh lần nữa…

Đi vào phân tích sâu các lý giải của Chính phủ về một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là do tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn như đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát nên lực lượng bị thiếu hụt”, có ý kiến cho rằng giải thích này là không thỏa đáng, do việc tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các dự án liên quan là các dự án đã có trong kế hoạch, không phải là vấn đề phát sinh; hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra là một trong những công tác rất cần thiết trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm.

Liên quan đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án, ĐB đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư ưu tiên đầu tư từ rất sớm và phải đi trước một bước những cơ sở hạ tầng thiết yếu (trường học, trụ sở UBND xã, nhà trẻ, trường mẫu giáo…), bởi vì thiếu cơ sở hạ tầng thì người dân không thể định cư được.

Tin cùng chuyên mục