Chính phủ đã giao cho 9 bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo 12 dự án luật

“Chính phủ đã giao trách nhiệm cho 9 bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo theo các quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ về thực thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Trình bày Tham luận của Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ đã chú trọng xây dựng Kế hoạch và các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện.

Cụ thể, 12 dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phân công cho 9 bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1 dự án); Bộ Tài chính (1 dự án); Bộ Công Thương (2 dự án); Bộ Công an (1 dự án); Bộ Khoa học và Công nghệ (1 dự án); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2 dự án); Bộ Tài nguyên và Môi trường (1 dự án); Bộ Nội vụ (2 dự án) và Thanh tra Chính phủ (1 dự án).

Chính phủ cũng đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở nội dung Kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, nội dung định hướng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện rà soát, nghiên cứu lý luận, tổng kết, đánh giá pháp luật hiện hành, gắn với nhiệm vụ lập pháp, chuẩn bị các dự án, dự thảo.  

Cụ thể, có 64 dự án, trong đó 60 dự án dự kiến giao trách nhiệm, phân công riêng cho 17 bộ, cơ quan ngang bộ; 4 dự án hoặc vấn đề có nội dung liên quan đến nhiều phạm vi quản lý liên bộ, ngành, được giao trách nhiệm, phân công cho các bộ, ngành cùng nghiên cứu, đề xuất.

Đó là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an (Luật Giao thông đường bộ hoặc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ); Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Nghiên cứu, rà soát các luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, phát triển năng lượng, thuế, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài); Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động và các luật có liên quan); Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Nghiên cứu, rà soát các luật chuyên ngành để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước với vai trò là Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh).

Bên cạnh những nhiệm vụ cơ bản nêu trên, ông Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ cũng đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện một số nhiệm vụ khác, như chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý vào xây dựng pháp luật; nghiên cứu cơ chế phân bổ kinh phí cho công tác lập pháp, bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện trong các khâu của toàn bộ quy trình lập pháp; củng cố kiện toàn, đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao.

“Chính phủ kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đã được xác định trong Đề án. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định của pháp luật, đặc biệt là phản biện các chính sách quan trọng trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục