
(SGGP 12G).- Đảng Dân chủ đầu tuần trước bày tỏ chủ trương “ai làm nấy chịu” đối với cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay: “Đó là lỗi của ông Bush, vậy hãy để ông ta chữa cháy”. Thế nhưng khi thị trường tài chính hỗn loạn đến mức có nguy cơ gây sụp đổ toàn bộ nền kinh tế Mỹ, phe Dân chủ kiểm soát Quốc hội và ứng viên tổng thống Barack Obama đành cam kết hợp tác với phe Cộng hòa để xúc tiến khoản bảo lãnh 700 tỷ USD do chính quyền Bush đề xướng.
- Sáng chống chiều thuận

Hôm 17-9, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ, giận dữ nói: “Đây là vấn đề của họ, họ hãy tự đi mà giải quyết”. Chưa đầy 24 giờ sau, bà lại rầu rĩ: “Chúng ta hy vọng có thể giải quyết khủng hoảng nhanh chóng”.
Phe Cộng hòa cũng thay đổi thái độ, thủ lĩnh phe thiểu số John Boehner đã mở màn tuần qua với tuyên bố phản đối bất kỳ khoản bảo hộ nào lấy từ tiền của người đóng thuế (ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, John McCain dường như cũng tán thành quan điểm này). Thế nhưng tới cuối tuần ông Boehner lại hứa sẽ hợp tác với phe Dân chủ để lên kế hoạch bảo hộ.
Cùng lúc, ông McCain đưa ra đề xuất riêng về việc thành lập một cơ quan chính phủ để mua lại những khoản nợ xấu của các định chế tài chính gặp khó khăn. Sự thay đổi “như chớp” này phản ánh những mâu thuẫn về chính trị của cả 2 đảng, cũng như của 2 ứng viên tổng thống.
Cuộc khủng hoảng tài chính nhanh đến nỗi, các nhà lập pháp không thể theo kịp các diễn biến, huống hồ là đưa ra chiến lược hay thông điệp cụ thể. Đối với phe Dân chủ, đây là cơ hội để nhấn mạnh điều mà họ cho là những “chính sách thiên vị người giàu” của ông Bush và đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Dân chủ, Charles Schumer, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế lưỡng viện của Quốc hội, cho biết ông muốn kế hoạch này bao gồm cả việc cứu nguy cho những gia đình đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng tịch biên nhà vì không trả nổi nợ, thay vì chỉ cứu nguy cho các công ty tài chính lớn.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng buộc đảng Dân chủ phải hành động mau lẹ, bởi với tư cách là phe lãnh đạo Quốc hội, đảng này phải chịu phần lớn trách nhiệm. Mặt khác, họ không muốn bị xem chỉ là người đi sau trong cuộc giải cứu Wall Street. Phía Cộng hòa cũng đang vấp phải thách thức tương tự, về lý thuyết họ phản đối chính phủ can thiệp vào thị trường, song ý thức rõ rằng những khó khăn kinh tế có thể khiến đảng của họ phải trả giá đắt trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
- Kinh tế vẫn suy giảm
Trang web Globeinvestor.com của Canada dẫn nhận định của ông Julian Jessop, chuyên gia kinh tế quốc tế hàng đầu tại Viện Các vấn đề kinh tế cơ bản, rằng kế hoạch của Mỹ có thể giúp làm dịu sự rối loạn trên các thị trường nhưng khu vực tài chính sẽ vẫn trong điều kiện khó khăn. Những mất cân bằng về kinh tế và tài chính sẽ phải mất nhiều năm mới giải quyết và khôi phục được.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Nova Scotia cũng thống nhất ý kiến rằng kế hoạch của Washington có thể giải quyết sự đổ vỡ của các công ty tài chính nhưng không giải quyết được vấn đề suy thoái kinh tế thế giới.
Chuyên gia Carl Weinberg thuộc tổ chức High Frequency Economics cho rằng việc cứu vãn hệ thống ngân hàng là một “liều thuốc” cần thiết cho sự hưng thịnh kinh tế toàn cầu nhưng chưa đủ đảm bảo. Ngay cả khi các vấn đề của ngân hàng được giải quyết, nền kinh tế Mỹ vẫn giảm tăng trưởng và đang tiến tới bờ vực của sự suy giảm thực sự.
Sự suy giảm của Mỹ cũng sẽ làm tăng trưởng kinh tế của Canada khó khăn và kế hoạch cứu vãn các thị trường tài chính của Mỹ sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc ngăn chặn những khả năng xảy ra suy thoái ở châu Âu và Nhật Bản.
VIỆT LÊ