(SGGP).- Ngày 25-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 tiếp tục được duy trì, tổ chức hoạt động bộ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như nhiệm kỳ 2007 - 2011, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; đồng thời thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Theo Thủ tướng, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thực hiện mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong quá trình sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ, cơ quan bộ, cơ quan hành chính các cấp phù hợp với quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý ngành, lĩnh vực. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn, hợp lý, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thực hiện nhất quán nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính những việc cơ liên quan, xác định rõ các cơ quan có liên quan phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, chia cắt, bỏ trống trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV ổn định như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm có 22 bộ và cơ quan ngang bộ như hiện hành (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ).
Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc thực hiện cơ cấu của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những công việc phân công chưa phù hợp, chưa rõ về thẩm quyền và trách nhiệm. Việc phối hợp trong tổ chức thực hiện chưa hợp lý nên khi xảy ra hậu quả xấu khó xác định được cơ quan chịu trách nhiệm chính. Việc ban hành nghị định về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ còn chậm, mô hình tổ chức các cơ quan bên trong các bộ còn thiếu thống nhất. Việc sắp xếp, sáp nhập một số bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa kết hợp có hiệu quả việc điều chỉnh chức năng, lồng ghép nhiệm vụ, khối lượng công việc, tổ chức bộ máy, phạm vi lĩnh vực quản lý của một số bộ quá lớn. Chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế kết quả thực hiện còn hạn chế…
Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Ủy ban Pháp luật đề nghị xác lập cơ cấu bộ máy hợp lý để làm tốt công tác xây dựng thể chế, là đầu mối tăng cường quản lý một số lĩnh vực mà thực tiễn đang đặt ra những nhiệm vụ mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý biển đảo, năng lượng, quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Tăng tính chủ động hơn cho chính quyền địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương.
PHAN THẢO