Chung niềm đam mê
Cứ 6 giờ 30 là lúc các thành viên của Hội hoàn thành xong bài tập buổi sáng, nếu không phải đi xa thì tề tựu ở một quán cà phê ven đường gặp mặt. Tiếng cười nói, trao đổi rôm rã xua tan mệt nhọc sau những giờ đạp xe.
Hội có người già, người trẻ đến từ nhiều ngành nghề như điêu khắc, kinh doanh, buôn bán, nhiều người làm trong cơ quan Nhà nước. Họ có chung một niềm đam mê với bộ môn xe đạp. Mỗi ngày, hội chia làm 2 buổi tập, từ 4 giờ – 5 giờ 30 và 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 với những bài tập rèn luyện thể lực, sự dẻo dai, bền bỉ.
Các thành viên Hội xe đạp thể thao Biên Hòa đi xe đạp lên phố cổ tại cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) |
Khẽ gạt giọt mồ hôi trên trán, ông Đoàn Hồng Sơn (57 tuổi, ở phường Tân Tiến), người tham gia Hội ngay từ những ngày đầu, chia sẻ, làm nghề điêu khắc, tuổi tác ngày càng lớn, sức khỏe yếu đi, thấy môn xe đạp vừa sức, lành mạnh nên tham gia để có sức khỏe làm việc.
Ông Sơn thức dậy từ 5 giờ đạp xe cùng với các thành viên trong hội, có lúc đi 50 người, khi chỉ một vài người. Ông đạp xe đến các KCN Biên Hoà 1 và 2, KCN Amata, Bến Cá, hay đi về làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) với chặng đường di chuyển khoảng 35km.
Ông nói: “Sáng nay, tôi chạy một mạch từ nhà xuống Bình Hòa, dọc theo đường 5 rồi về đường Phan Văn Thuận, gần siêu thị Coopmart để cà phê với anh em, bạn hữu. Làm nghề tự do nên dễ sắp xếp thời gian, tôi cũng động viên vợ con và mấy đứa em trong gia đình tham gia cùng”.
Các thành viên Hội xe đạp thể thao Biên Hòa đi xe đạp tới cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang |
Chị Đặng Thủy Trúc Khanh (38 tuổi, làm nghề buôn bán ở phường Trung Dũng) tham gia Hội khoảng 2 năm nay thì tâm sự: Chị bị giãn tĩnh mạch, mỗi khi di chuyển bị đau nhức, từ khi đến với môn xe đạp, sức khoẻ tốt hơn rất nhiều. Môn thể thao xe đạp không vận động mạnh, chỉ cần đạp nhẹ nhàng, di chuyển khoảng 15km/giờ nên phù hợp với sức khỏe, rèn luyện sức bền, sự dẻo dai và dần dà bệnh tình cũng thuyên giảm, đỡ đau nhức hơn ngày trước. Chị được kết thân với nhiều người, có thêm bạn đồng hành, cuộc sống có thêm nhiều niềm vui.
Vượt lên “tứ đại đỉnh đèo”
Cứ 2 tháng một lần, Hội sẽ tổ chức các tour đi xa như miền Tây, Vũng Tàu, Long Hải, Bảo Lộc - Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết hoặc các nơi xa hơn như miền Bắc để các thành viên có cơ hội trải nghiệm và tham quan khắp các vùng miền của cả nước. Hội cũng tham gia vào các hoạt động thi đấu do các hội, câu lạc bộ, các sở ngành tổ chức để thành viên Hội có cơ hội giao lưu, thi đấu cọ xát, nâng cao kỹ năng, khả năng điều khiển, vận hành xe đạp.
Các thành viên của Hội xe đạp thể thao Biên Hoà có mặt tại đèo Pha Đin (giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu và Điện Biên) |
Dấu ấn lớn nhất vào năm 2022, sau khi đã chinh phục các đèo Bảo Lộc, Khánh Lê, khoảng 22 thành viên của hội cùng nhau chinh phục “tứ đại đỉnh đèo” ở vùng núi Tây Bắc, bao gồm: Đèo Mã Pí Lèng (nối liền thị trấn Đồng Văn và huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), Đèo Ô Quy Hồ (nối liền 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu), Đèo Khau Phạ (ranh giới phân chia địa phận huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), đèo Pha Đin (giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu và Điện Biên), trong đó đèo cao nhất hơn 2.500m.
Hội xe đạp thể thao Biên Hòa trong một lần tham dự giải xe đạp phong trào |
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn (53 tuổi, ở phường Thống Nhất, TP Biên Hòa), người chinh phục 4 đỉnh đèo, mỗi chuyến đi phải chuẩn bị trước 4-5 tháng, luyện tập hàng ngày với cường độ cao trên các cung đường TP Biên Hòa - Long Khánh, TP Biên Hòa - TP Vũng Tàu, leo núi Châu Thới (tỉnh Bình Dương), làm quen với địa hình đồi núi phức tạp. Khi vượt đỉnh đèo phải mang theo viên muối để bù đắp điện giải thất thoát do mất mồ hôi, đường cô đặc để tránh chuột rút cơ bắp.
4 thành viên của Hội xe đạp thể thao Biên Hòa vui mừng vì đã chinh phục được độ cao ở điểm Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) |
Ông Nguyễn Đức Tuấn sẻ chia niềm vui với du khách nước ngoài trong chuyến chinh phục độ cao của vùng núi Tây Bắc |
Ông Tuấn hồ hởi nói: “Đường lên đèo có vách núi đá cao, dựng đứng cùng những khúc cua hiểm trở, uốn lượn, quanh những thung lũng mờ ảo trong sương. Những ngọn núi quá cao và quá xa, không nhiều người tới được. Khi lên tới đỉnh đèo, trong tôi xuất hiện cảm giác lâng lâng thật khó tả, cả một vùng non nước Tây Bắc hùng vĩ thu trọn vào tầm mắt. Đó là hành trình đầy thú vị, có lúc thót tim để vượt qua giới hạn bản thân, vượt qua thử thách của chính mình”.
Hiện nay, phong trào đạp xe rèn luyện thân thể đang phát triển rộng khắp cả nước nên ông Sơn, chị Trúc Khanh, ông Tuấn có dịp kết nối - chia sẻ đam mê với “bạn hữu đường xa” ở các tỉnh, thành cùng chung sở thích, đam mê xe đạp thể thao.
Điều đáng quý là anh em trong Hội còn đóng góp nguồn quỹ để tổ chức chương trình “Vòng xe yêu thương” trao các xe đạp cho trẻ em nghèo trong tỉnh, trao quà cho các gia đình nghèo nhân dịp lễ, tết như trao 60 chiếc xe đạp, 30 phần (mỗi phần trị giá 500.000 đồng) cho học sinh, người nghèo ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán); tặng 20 phần quà (mỗi phần trị giá 800.000 đồng) trong ngày Đại đoàn kết toàn dân ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu)…