Chính quyền điện tử TPHCM: Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

TPHCM đang nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, tạo chuyển biến ngay trong chính nội bộ các cơ quan nhà nước cũng như trong việc cung cấp dịch vụ công tới người dân, doanh nghiệp. Sau hơn một năm thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM, kết quả bước đầu cho thấy nhiều dấu ấn trong sự kết nối ngày càng tiện lợi giữa người dân và chính quyền.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Từ dịch vụ công trực tuyến đến các tiện ích cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp


Qua một năm triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử, đồng thời với thực hiện chủ đề năm 2019 về đột phá cải cách hành chính, TPHCM đã có bước đột phá nhất định trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử. Hiện nay, TPHCM cung cấp 1.070 dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3: 826 dịch vụ; mức độ 4: 244 dịch vụ). Các sở - ban - ngành, UBND quận - huyện đã triển khai hệ thống một cửa điện tử, ISO điện tử giúp lãnh đạo hoàn toàn có thể giám sát được tình trạng xử lý hồ sơ của đơn vị, biết được nguyên nhân trễ hạn thông qua báo cáo tổng hợp tự động qua phần mềm và tin nhắn. TPHCM cũng đã triển khai hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai tại Trung tâm dữ liệu của TPHCM.

Trong nhiều ngành, lĩnh vực cụ thể, nhiều thông tin đã được cung cấp cho người dân thông qua cổng thông tin hoặc ứng dụng trên điện thoại di động. Cụ thể như: Trong lĩnh vực giao thông, cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, các tiện ích trong quá trình tham gia giao thông theo thời gian thực. Ở lĩnh vực giáo dục, TPHCM triển khai Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục với hơn 1.660 website thành viên của các đơn vị giáo dục. TPHCM đã thử nghiệm Cổng thông tin công khai các dịch vụ giáo dục. Trong lĩnh vực y tế, TPHCM triển khai Cổng thông tin của ngành y tế, cung cấp nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, cải cách hành chính; người dân có thể tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động chuyên môn của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế. Trong lĩnh vực chống ngập nước, thành phố đã triển khai Cổng thông tin Hệ thống thoát nước thành phố. Qua đây, người dân có đầy đủ các thông tin về ngập lụt, khí tượng thủy văn... nhằm giúp chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt gây ra. Ở lĩnh vực quy hoạch, TPHCM triển khai ứng dụng Thông tin quy hoạch TPHCM, trong đó đã cung cấp dưới dạng bản đồ hình ảnh các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cao độ nền với quy mô trên toàn địa bàn thành phố, cung cấp dưới dạng dữ liệu số các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cao độ nền tại khu vực trung tâm hiện hữu thành phố (930ha), Thủ Thiêm, quận 12 và quận Thủ Đức. 

Các mô hình quận, huyện trực tuyến, Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (1022) được triển khai rộng rãi cũng đã mang lại sự thuận lợi cho sự tương tác giữa người dân, tổ chức với các cơ quan nhà nước, cũng như tạo điều kiện tốt hơn để người dân, tổ chức tham gia giám sát, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng chính quyền.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao giải thưởng sáng tạo TPHCM năm 2019. Ảnh: VIỆT DŨNG


Thực hiện quá trình chuyển đổi số để hướng đến chính quyền số

Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố đóng vai trò định hướng và đồng bộ hóa các ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố. Cấu phần quan trọng trong Kiến trúc chính quyền điện tử là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung - nền tảng quan trọng để đảm bảo tích hợp, liên thông các hệ thống thông tin ở TPHCM. Từ đó, phát huy trách nhiệm và tính chủ động của thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM, Chính quyền TPHCM tập trung chuyển đổi mạnh mẽ trạng thái ứng dụng CNTT của bộ máy chính quyền thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của một đô thị thông minh. Quá trình chuyển đổi thực hiện từng bước để đến năm 2025, TPHCM đồng bộ, liên thông cho các hệ thống thông tin, khai thác tối đa công nghệ mới và nguồn lực xã hội để phục vụ cho phát triển, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của người đứng đầu trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, kết nối của hệ thống…   

Chặng đường xây dựng Chính quyền điện tử TPHCM còn tiếp tục đến năm 2025 với rất nhiều công việc phải tập trung thực hiện. Trước mắt, trong năm 2020, TPHCM tập trung hoàn thiện thể chế, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số.

Để chuẩn bị cho các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, TPHCM vừa ban hành Quy chế tích hợp và vận hành Kho dữ liệu dùng chung để tạo hành lang pháp lý tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố về Kho dữ liệu dùng chung; đồng thời, nghiên cứu xây dựng phương án kết nối cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành. Việc tổ chức khai thác Kho dữ liệu dùng chung nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành của thành phố, đồng thời cung cấp các tiện ích khai thác dữ liệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Một thông điệp chắc chắn rằng, dữ liệu dùng chung là nguồn lực, là tài sản quý giá của thành phố. Chính quyền TPHCM sẵn sàng mở ra các kênh chia sẻ dữ liệu, thông tin giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng. Bằng cách tích hợp và sẻ chia dữ liệu dùng chung, chúng ta cùng tiếp cận, khai thác để phát huy thế mạnh và cùng đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. 

Thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử trên địa bàn TPHCM gắn bó chặt chẽ với xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, TPHCM triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số và đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TPHCM về phát triển thành một đô thị thông minh. Qua đó, hỗ trợ hiệu quả các chương trình đột phá của thành phố, đặc biệt là chương trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Xuyên suốt hành trình triển khai thực hiện chính quyền điện tử, TPHCM không ngừng đột phá cải cách hành chính nhằm chạm đến trái tim người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo cho hiệu quả của việc thực hiện. Trong từng lộ trình, việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử TPHCM cũng đều nhất quán lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; việc cải tiến quy trình nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước cho liên thông với nhau cũng xuất phát từ mục tiêu cuối cùng là để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Một số tiện ích cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp:

- Hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai: https://motcuadatdai.tphcm.gov.vn

- Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin (1022): https://1022.tphcm.gov.vn

- Cổng thông tin giao thông: http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn

- Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục: http://dichvugiaoduc.hcm.edu.vn

- Cổng thông tin Hệ thống thoát nước: https://chongngap.hochiminhcity.gov.vn

- Cổng thông tin quy hoạch: https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn

- Các ứng dụng tương tác trực tuyến giữa người dân và UBND quận, huyện

NGUYỄN THÀNH PHONG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM

Tin cùng chuyên mục