Chỉ vài ngày sau khi nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã khởi động chuyến thăm Trung Đông đến 3 quốc gia đồng minh là Israel, Saudi Arabia và Jordan.
Chuyến thăm của ông Carter diễn ra trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhất là Israel đang nổi giận vì thỏa thuận hạt nhân trên. Lầu Năm Góc tuyên bố chuyến thăm của ông Carter đã được lên kế hoạch từ trước chứ không nhằm mục tiêu trấn an các đồng minh. Tuy nhiên, theo báo Washington Post, Iran vẫn là một đề tài bao trùm, trong đó bao gồm kế hoạch tìm cách kìm hãm sự ủng hộ của Iran với các đối thủ chung của Mỹ và các đồng minh, như lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Palestine hay Houthi ở Yemen. Theo New York Times, để xoa dịu đồng minh, chuyến đi đến Israel của ông Carter đã mang theo một gói viện trợ quân sự trị giá tới 1,5 tỷ USD. Các quan chức Mỹ và Israel cũng sẽ bàn luận về việc gia tăng viện trợ cho các năm tiếp theo lên thành 4,2 - 4,5 tỷ USD.
Chuyến thăm của ông Carter được cho là nằm trong chính sách Trung Đông mới của Nhà Trắng do chính quyền Tổng thống Obama soạn thảo. Theo kế hoạch này, 18 tháng còn lại trong nhiệm kỳ của ông Obama có trọng tâm phải giải quyết các cuộc xung đột ở Iraq, Yemen, Syria và những khúc mắc xoay quanh chương trình hạt nhân Iran. Tổng thống Obama mong muốn trước khi rời nhiệm sở vào năm 2017 sẽ giải quyết ổn thỏa tình trạng bất ổn, cải thiện quan hệ với các đồng minh then chốt tại Trung Đông.
Việc hoàn tất các cuộc đàm phán với Iran được coi là chìa khóa để ông Obama không chỉ thúc đẩy một giải pháp chính trị ở Syria mà còn ở nhiều quốc gia khác như Iraq, Yemen. Iran đang đóng vai trò quan trọng đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như phiến quân Hồi giáo Houthi tại Yemen. Giới quan sát quốc tế cho rằng, việc kết hợp giữa áp lực quân sự, sức ép từ phe đối lập và nếu có được sự ủng hộ của Iran thì giải pháp thay đổi quyền lực tại Syria là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Tại Yemen, nơi phiến quân Houthi, có sự ủng hộ của Iran, đang giao tranh ác liệt với quân chính phủ do Arab Saudi hỗ trợ thì một giải pháp hợp tác với Tehran không phải là ý kiến tồi. Như vậy, với thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ có thể mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới để can dự vào Trung Đông theo cách thức mới.
Tuy nhiên, các đồng minh Israel và Saudi Arabia của Mỹ có thể sẽ còn tức giận hơn nữa nếu Washington áp dụng các biện pháp nhằm tái thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Iran. Các quan chức Mỹ buộc phải đối mặt với một nhiệm vụ quan trọng là tìm cách xoa dịu những căng thẳng trong khu vực. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm hợp tác với Iran trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thiết lập tình hình ổn định tại Iraq cũng như Syria sẽ khiến cho các nước láng giềng của Iran lo lắng.
Từ trước đến nay, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đã tìm mọi cách để giữ Iran đứng ngoài liên minh chống IS ở Syria và Iraq, đồng thời cáo buộc Tehran đang hỗ trợ chính quyền của Tổng thống al-Assad. Xem ra, chính sách Trung Đông mới của Tổng thống Obama sẽ gặp không ít gập ghềnh bởi những trở ngại từ những đồng minh thân cận.
THANH HẰNG