Nhiều nước châu Á phát triển tàu đệm từ thế hệ mới

Để giải quyết bài toán quá tải cho ngành giao thông vận tải, nhiều nước châu Á đang nỗ lực bứt phá trong cuộc chạy đua phát triển tàu đệm từ thế hệ mới. Ưu điểm vượt trội của tàu là khả năng chuyên chở lượng khách khổng lồ.

Thúc đẩy tăng trưởng

Được xem là phương tiện giao thông thông minh do không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa đường ray với tàu (chỉ có lực ma sát giữa con tàu và không khí) nên tàu đệm từ có khả năng di chuyển với vận tốc rất cao, tiêu tốn ít năng lượng, giảm tiếng ồn và thân thiện với môi trường hơn so với máy bay.

Dù chỉ mới gia nhập cuộc đua phát triển tàu đệm từ thế hệ mới, nhưng Hàn Quốc đã đặt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu toàn cầu trong ngành vận tải siêu tốc của thế giới. Nước này đang tăng tốc xây dựng phát triển công nghệ đẩy đệm từ cho hệ thống tàu cao tốc thế hệ mới mang tên Hypertube. Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, dự án trên dự kiến sẽ được thực hiện đến năm 2027, với tổng ngân sách là 12,7 tỷ won (tương đương 8,54 triệu USD), được sử dụng cho các công nghệ cốt lõi như hệ thống đẩy đệm từ, cơ chế điều khiển chính xác và thân vận chuyển tốc độ cao.

Theo Korea Times, Chính phủ Hàn Quốc xem việc phát triển Hypertube là một trong những trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc gia. Nếu dự án đi vào vận hành, dòng tàu đệm từ thế hệ mới này sẽ cho phép hành khách và hàng hóa di chuyển với tốc độ tối đa 1.200km/giờ. Hiện Hàn Quốc có tàu cao tốc KTX có tốc độ tối đa 300km/giờ và tàu điện ngầm cao tốc GTX của thủ đô Seoul đang hoạt động với tốc độ 180km/giờ. Hypertube có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa Seoul và Busan, với khoảng cách khoảng 320km, chỉ còn 20 phút. Mặc dù khởi đầu muộn, nhưng theo các chuyên gia, Hàn Quốc có thể bắt kịp các quốc gia khác, vì nước này đã sở hữu các công nghệ vận tải siêu tốc nền tảng như điều khiển lực đẩy tốc độ cao, xây dựng ống áp suất thấp.

Với Nhật Bản, tàu đệm từ được coi là sự bổ sung cho hệ thống tàu cao tốc Shinkansen có từ năm 1964. Vận tốc tối đa của Shinkansen tại Nhật hiện nay là 320km/giờ. Từ năm 2015, Công ty Đường sắt trung tâm Nhật Bản (JR Central) đã cho thử nghiệm đoàn tàu đệm từ với vận tốc 603km/giờ, phá vỡ kỷ lục vận tốc trước đó là 581km/giờ cũng do JR Central nắm giữ. Đây là một phần trong chương trình chạy thử nghiệm trước khi JR Central dự kiến đưa tàu đệm từ vào hoạt động thương mại vào năm 2037 trên tuyến Tokyo - Nagoya sau khi hoàn thành hệ thống đường hầm có đường ray xây riêng. Chi phí xây dựng tuyến đường sắt đệm từ dự kiến khoảng 5,52 ngàn tỷ yen (tương đương 47 tỷ USD).

JR Central hiện đại hóa công nghệ tàu đệm từ bằng cách sử dụng nam châm siêu dẫn. Nam châm điện được làm lạnh tới -269oC, cho phép tàu lơ lửng cao hơn phía trên đường ray. Khi tàu đạt tốc độ 150km/giờ, nam châm sẽ hoạt động và các khoang được nâng lên khỏi bánh cao su. Sau đó, tàu tương tác với một loạt cuộn lò xo ở đường ray dùng để nâng khối lượng của tàu và loại kia dùng để đẩy tàu về phía trước. Đoàn tàu cũng chạy hoàn toàn tự động, điều khiển bởi đường ray thay vì tài xế, giúp giảm khả năng xảy ra va chạm hoặc tai nạn. Do không dùng bánh xe, tàu có thể chạy trong gần như mọi điều kiện thời tiết và tốn ít chi phí bảo dưỡng hơn.

Đột phá giao thông thông minh

Tại Trung Quốc, sự bùng nổ đường sắt cao tốc bắt đầu từ năm 2008, khi nước này áp dụng biện pháp kích thích toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không chỉ có mạng lưới đồ sộ, Trung Quốc cũng sở hữu một trong những tàu cao tốc nhanh nhất thế giới với tàu đệm từ đạt tốc độ 600km/giờ. Con tàu đã chạy thử nghiệm thành công trên tuyến đường sắt đệm từ ở tỉnh Thanh Đảo và dự kiến sẽ đi vào sử dụng trong vài năm tới.

N8A.jpg
Tàu đệm từ Trung Quốc. Ảnh: NHÂN DÂN NHẬT BÁO

Trong năm 2024, Trung Quốc tiếp tục đánh dấu bước đột phá với tàu điện từ T-Flight có tốc độ thử nghiệm hơn 900km/giờ trong tuyến đường ống chân không thấp, giúp loại bỏ gần như hoàn toàn ma sát và lực cản không khí. Đây là yếu tố giúp con tàu đạt tốc độ chưa từng có. Nếu dự án này thành công, T-Flight sẽ trở thành phương tiện vận tải đường bộ nhanh nhất thế giới. Để thử nghiệm, Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã xây dựng một đường ray dài khoảng 2km trong ống chân không áp suất thấp. Một trong những tính năng nổi bật của tàu là tốc độ mạng internet ổn định, giúp hành khách luôn được kết nối ngay cả khi đang di chuyển với tốc độ chóng mặt. Đây là một cải tiến lớn so với các chuyến bay thương mại, nơi hành khách thường không truy cập được internet. Hiện chưa rõ khi nào tàu điện tử T-Flight chính thức đi vào hoạt động, nhưng với tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc, đây có thể sẽ là cuộc cách mạng trong ngành giao thông thông minh trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục