
Buôn Ma Thuột được giải phóng đã mở đầu cho sự thành công của chiến dịch Mùa Xuân Đại Thắng lịch sử 1975. 30 năm trôi qua, vùng đất thủ phủ Tây Nguyên năm xưa giờ đã đổi thay và phát triển rất nhiều. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Nguyễn Văn Lạng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc.
- PV: Ông có thể nói gì về những thành tựu của Đắc Lắc 30 năm qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lạng
- Ông NGUYỄN VĂN LẠNG: Nói đến thành tựu ta phải quay về với Đắc Lắc năm 1975: có 350.000 dân, 7.000 ha đất nông nghiệp, 4.000 ha lúa nước và tỷ lệ đói nghèo trong các hộ người dân tộc thiểu số còn cao, số người dân tộc thiểu số vào đại học không hơn một chục. Bây giờ, ở Đắc Lắc đã có 900 cháu người dân tộc thiểu số đã và đang theo học tại 43 trường cao đẳng và đại học trên cả nước.
Đắc Lắc là tỉnh có diện tích đất canh tác hàng đầu đất nước với 460.000 ha đất canh tác nông nghiệp tập trung và là lá cờ đầu của nền nông nghiệp Việt Nam năm 2003, sản lượng cà phê chiếm 50%/sản lượng cà phê của cả nước.
Về xuất khẩu, 5 năm qua, Đắc Lắc đạt bình quân 200 triệu USD/năm, riêng tháng 2-2005 xuất khẩu của tỉnh đạt 1,2 triệu USD và dự kiến, năm 2005 sẽ đạt mức 300 triệu USD. Mức thu ngân sách của tỉnh đã vượt ngưỡng 800 tỷ và Đắc Lắc sẽ sớm tham gia “CLB 1.000 tỷ”, vào vài năm tới.
Hiện nay, 100% huyện của tỉnh có đường bê tông nhựa, 45% xã có đường nhựa. 100% xã có điện, 83% hộ được dùng điện và được ngành điện VN đánh giá là tỉnh có tốc độ mở rộng mạng lưới điện mạnh nhất trong cả nước. Du lịch tăng 22% mỗi năm với thế mạnh du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống. Tăng trưởng kinh tế ở Đắc Lắc tăng từ 9% - 10%/năm, năm 2004 tăng 11,86%, chúng tôi phấn đấu năm 2005 sẽ tăng 12%.
- Để giữ vị trí thủ phủ của khu vực Tây Nguyên về nhiều mặt, theo ông đâu là cơ sở và điều kiện cần có để phát triển?
- Cơ sở để tiếp tục phát triển nhiều mặt ở Đắc Lắc, theo tôi đó là chính sách và nguồn lực. Đắc Lắc không có lợi thế vị trí địa lý như nhiều tỉnh, thành phố khác nhưng chúng tôi có những chính sách riêng về đầu tư và mạnh dạn đầu tư tập trung vào công tác đào tạo chuyên ngành và sau đại học cho cán bộ trẻ, có năng lực; đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên và thế mạnh của Đắc Lắc như: sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê…
So với yêu cầu đặt ra, cải cách hành chính ở tỉnh chưa thật sự là “một cửa duy nhất”; do vậy chúng tôi quyết tâm giảm phiền hà cho nhân dân, cho các nhà đầu tư bằng cách thực hiện cải cách hành chính thực sự chỉ còn một cửa; phân công rõ ràng chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ, các cơ quan hữu trách và kiên quyết xử lý nghiêm minh, nếu có sai phạm.

Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột. Ảnh: THÁI BẰNG
- Lĩnh vực nào theo ông hiện là ưu tiên đầu tư của Đắc Lắc?
- Chúng tôi mời gọi các nhà đầu tư đến Đắc Lắc với nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất và hỗ trợ nhiều thủ tục cho các doanh nghiệp. Thế mạnh của chúng tôi là sản xuất và chế biến cà phê xuất khẩu, thủy điện vừa và nhỏ, hoạt động ngân hàng, du lịch văn hóa truyền thống, thương mại dịch vụ… Chúng tôi cũng quan niệm đầu tư không chỉ là mời gọi mọi người đến với Đắc Lắc mà còn ủng hộ doanh nghiệp của Đắc Lắc đi đầu tư tỉnh khác, nước khác nữa.
Đắc Lắc vừa tiến hành ký kết đầu tư với nước bạn Lào hợp đồng trị giá 30 triệu USD để trồng cao su và mùa mưa này chúng tôi sẽ tiến hành xuống giống trên nước bạn. Chúng tôi cũng vừa khởi công nhà máy chế biến xuất khẩu gỗ ở Sekon. Sau lễ hội mừng 30 năm giải phóng Đắc Lắc, lãnh đạo tỉnh sẽ đi Campuchia để tiến hành ký kết đầu tư với nước bạn.
- Sau nhiều năm sống và làm việc tại Đắc Lắc, ông tâm đắc nhất điều gì?
- Năm 1975, sau khi tốt nghiệp đại học tôi được tăng cường vào Đắc Lắc công tác, năm ấy tôi 22 tuổi. Từ đó tới nay, tôi đã công tác ở Đắc Lắc trong nhiều vị trí, nhiều lĩnh vực khác nhau song tôi đã được “đi cùng, sống cùng” với mảnh đất này suốt 30 năm hình thành và phát triển bằng tình cảm yêu quí nhất.
Đây là mảnh đất giàu tiềm năng, tiềm năng trên mặt đất, tiềm năng dưới đất. Vì thế, tôi nghĩ, nếu ở đây làm không “nên chuyện” thì không ở đâu có thể làm “nên chuyện”và tôi yêu mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình, mọi người dân ở đây đều quá quen tôi và tôi cũng có cảm giác thân quen tất cả mọi người. Và để Đắc Lắc phát triển như hôm nay đó còn là sự đoàn kết của tập thể; tôi và anh Y Luyện, Bí thư Tỉnh ủy thường đồng tình, nhất trí với nhau khi bàn bạc những việc liên quan đến “vận mệnh” vùng đất yêu quí vì chúng tôi luôn đặt quyền lợi chung lên trên tất cả.
PHẠM THỤC
Ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBNDTP Buôn Ma Thuột: |