Chính trường Anh chưa hết sóng gió

Sau khi Chính phủ Anh được thành lập và chấm dứt tình trạng quốc hội treo, cử tri Anh thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng chỉ vài ngày có chính phủ mới, các nhà phân tích chính trị lo ngại một liên minh được thành lập quá nhanh chóng và dựa trên sự mặc cả vị trí giữa các bên thì chắc chắn vẫn còn mâu thuẫn ngầm và có thể gây ra những cơn “sóng thần”.

Theo thông lệ, các đảng phái phải mất nhiều thời gian từ chỗ chấp nhận đàm phán đến đàm phán, báo cáo và thông qua các thỏa thuận để thành lập chính phủ liên minh. Chẳng hạn ở Scotland tiến trình này mất khoảng 10 ngày; ở xứ Wales mất 2 tháng; ở New Zealand mất 8 tuần và ở Mỹ từ ngày có kết quả bầu cử tổng thống đến ngày nhậm chức bao giờ cũng là 11 tuần. Nhưng 5 ngày để thành lập một chính phủ mới ở Anh là quá ngắn. Bên cạnh đó, cái cách hai đảng Bảo thủ và Công đảng chạy đua nước rút và trả giá cho đảng Dân chủ Tự do (DCTD) theo kiểu “trâu chậm thì uống nước đục” nên chỉ có thể nói đến các vị trí trong chính phủ chứ không có thời gian bàn đến các chính sách tương lai.

Dù lãnh đạo 2 đảng đã nhất trí nhượng bộ nhau nhiều vấn đề, song các thỏa thuận này còn phải nhận được 75% phiếu tán thành của ban điều hành đảng DCTD mới có đủ hiệu lực. Trong khi đó, đảng Bảo thủ và đảng DCTD vẫn tồn tại những bất đồng lớn trong chính sách đối nội liên quan đến tiến trình cắt giảm thâm hụt ngân sách và cải cách hệ thống bầu cử. Đảng Bảo thủ muốn cắt giảm nhanh chóng thâm hụt ngân sách, thì DCTD cho rằng tiến trình này cần chậm lại để không ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế…

Ngoài ra sự khác biệt khá lớn về chính sách đối ngoại, đặc biệt chính sách đối với Mỹ và EU cũng là yếu tố được dư luận quan tâm nhất hiện nay. Anh được xem là cánh tay nối dài của Mỹ ở châu Âu. Làm thế nào để nước Anh độc lập và không phải lúc nào cũng gật đầu với chính sách của Mỹ?

Đảng Bảo thủ vốn thân Mỹ và rất coi trọng quan hệ với Mỹ, trong khi DCTD lại thân châu Âu và ủng hộ ý tưởng gia nhập khu vực đồng EUR. Hơn nữa, Chủ tịch DCTD Nick Clegg vốn là một cựu quan chức EU và có quan điểm khác biệt trong các chính sách với Mỹ. Tân Ngoại trưởng Anh William Hague - nhân vật có uy tín của đảng Bảo thủ - thừa nhận chính sách đối ngoại với châu Âu là vấn đề gây khó khăn nhất trong quá trình thương thuyết thành lập liên minh.

Tuy nhiên, ông W.Hague khẳng định Đảng Bảo thủ “không bao giờ nhượng bộ” trong việc để EU nắm quyền quyết định với nước Anh và không có chuyện gia nhập đồng EUR. Trong bối cảnh đó, DCTD đã phải nhượng bộ nhiều vấn đề để có thể tham gia chính quyền mới. Nhưng trong tương lai gần, khi EU đưa ra chương trình phòng thủ chung, tư tưởng muốn dựa vào khuôn khổ NATO của Đảng Bảo thủ và tư tưởng muốn dựa vào khuôn khổ khối phòng thủ EU của DCTD sẽ làm cho liên minh cầm quyền mâu thuẫn nặng nề. Nhiều ngọn gió bất đồng giữa hai đảng sẽ tiếp tục hoành hành và có thể trở thành bão lớn

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục