Chợ Bình Tây

Chợ đầu mối của ASEAN

Chợ đầu mối của ASEAN
Chợ đầu mối của ASEAN ảnh 1

Chợ Bình Tây.  Ảnh: Cao Thăng

Nhiều người miền Nam gọi chợ Bình Tây là Chợ Lớn mới vì trước đây cách khu vực này gần một cây số (chỗ bưu điện Chợ Lớn bây giờ) có một ngôi chợ mang tên Chợ Lớn; còn tên chợ Bình Tây được đặt do vị trí chợ này nằm trong thôn Bình Tây thuộc tỉnh Chợ Lớn.

Chợ được khởi công từ năm 1920 và hoàn thành năm 1924, do một người tên Quách Đàm tự là Thông Hiệp  bỏ tiền ra mua đất và xây dựng. Vì chủ chợ là người Hoa nên bên ngoài lẫn bên trong chợ đều mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa. Ngay sau khi đưa vào hoạt động, nhờ lợi thế về giao thông thủy - bộ trên bến, dưới thuyền cũng như cung cách buôn bán thật thà, rộng rãi của bà con tiểu thương người Việt và người Hoa, chợ Bình Tây đã nhanh chóng trở thành khu vực kinh doanh sầm uất, là đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh và các nước láng giềng.

Những năm đất nước mới hòa bình, tuy hàng hóa hạn chế nhưng chợ Bình Tây vẫn được xem là trung tâm bán buôn lớn nhất nước. Năm 1992, chợ được trùng tu nâng cấp, có thêm tầng lầu với các tiện nghi mới như quầy sạp kiên cố, đường đi thông thoáng, khu hoa viên sạch đẹp, làm tăng mỹ quan, thuận lợi cho hoạt động của chợ. Nằm ở mặt tiền đường Tháp Mười (P2, Q6), từ mấy chục năm qua , chợ Bình Tây  vẫn giữ vững vị trí đầu mối, tiếp nhận hàng nông sản thực phẩm từ các tỉnh đến và chuyển hàng công nghệ phẩm đi khắp nơi.

Chợ đầu mối của ASEAN ảnh 2

Chợ Lớn xưa.  Ảnh: T.L

Hiện tại, chợ có trên 2.300 sạp kinh doanh với 35 tổ ngành hàng. Thế mạnh lớn nhất của chợ  là mặt hàng truyền thống gia vị chế biến và thực phẩm khô với trên 720 sạp. Đi vào khu vực này, lúc nào cũng thấy người bán, người mua hối hả cân đong từ các loại hàng khô như đường, đậu, bún khô, miếng, nấm mèo, nấm đông cô, măng khô, tôm khô, cá khô, dầu ăn, nước tương, ớt khô, ớt bột đến các loại hàng thực phẩm khô cao cấp nhập từ Trung Quốc  như vi cá, bào ngư, hải sâm, yến...

Bên cạnh đó, các mối hàng có từ lâu đời như nhóm hàng công nghệ phẩm, thủy hải sản, văn hóa phẩm, gốm sứ, quần áo may sẵn, vải vóc, túi xách, dây nịt, giày dép, đồ nhôm, đồ nhựa, đồ xi mạ... chẳng những được bạn hàng trong cả nước đặt mua mà những năm gần đây còn được phát triển sang các nước trong khối ASEAN và vùng biên giới Nam Trung Quốc. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đều chọn chợ Bình Tây làm cánh cửa để đưa hàng hóa vào thị trường bởi sức lan tỏa nguồn hàng từ chợ này nhanh mà chi phí lại thấp.

Chợ đầu mối của ASEAN ảnh 3

Gian hàng thực phẩm chế biến ở chợ Bình Tây. Ảnh: N.A

Anh Nguyễn Văn Hùng, người làm Trưởng Ban  quản lý chợ gần 10 năm nay, cho biết trong thời kỳ hội nhập, chợ Bình Tây cũng như các chợ khác đang bị cạnh tranh dữ dội bởùi các siêu thị, mạng lưới đại lý dầy đặc của các công ty, các hội chợ... nhưng tiểu thương chợ Bình Tây vẫn lôi kéo được khách trong và ngoài nước bằng cung cách bán hàng uy tín, không nói thách, không bán hàng giả, ứng xử khéo léo chiều lòng người mua.

Lấy chữ tín làm trọng, nhiều chủ sạp đã cất hàng gối đầu cho người buôn ở các tỉnh hàng chục triệu đồng mà không chút lo ngại. Nhiều tiểu thương như Ngô Hui Láng (sạp 603, bán gia vị), Bùi Thị Cúc (sạp 36, bán gốm sứ cao cấp), Ứng Thị Liên (sạp 628, bán mứt trái cây)... đã gắn bó hàng chục năm với chợ Bình Tây. Người tuổi cao thì con cháu tiếp nối với sự năng động, sáng tạo, mạnh bạo hơn trong kinh doanh và chủ động trau dồi ngoại ngữ. Có chủ sạp còn kết hợp với đơn vị sản xuất tạo nên những dòng sản phẩm tốt với thương hiệu riêng, giá rẻ, tiêu thụ nhanh trong thị trường nội địa.

Cũng theo lời Trưởng Ban quản lý chợ Nguyễn Văn Hùng, việc bán buôn của bà con có lúc này lúc khác nhưng hầu như doanh số  năm nào cũng tăng và hàng năm đảm bảo nộp cho ngân sách gần 50 tỷ đồng.


TRƯỜNG KHÁNH

Tin cùng chuyên mục