Chợ An Đông

Chợ đầu tiên đạt chuẩn ISO

Chợ đầu tiên đạt chuẩn ISO
Chợ đầu tiên đạt chuẩn ISO ảnh 1

Mặt tiền chợ An Đông trên đường An Dương Vương, Q5, TPHCM.

Trong trí nhớ của những người lớn tuổi từng gắn bó với chợ An Đông, Q5, TPHCM, ngôi chợ này được xây dựng vào khoảng năm 1950. Ban đầu, nó được xây đơn giản theo dạng nhà lồng phục vụ nhu cầu mua bán của bà con người Việt lẫn người Hoa. Từ một nhà lồng, chợ An Đông dần dần tấp nập kẻ mua, người bán và phát triển thành 3 nhà lồng chợ.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chợ An Đông vẫn tồn tại như thế; cho đến đầu năm 1990, chợ An Đông được xây dựng mới với tên gọi mới là Trung tâm Thương mại-Dịch vụ An Đông. Kinh phí xây dựng chợ An Đông lên tới gần 5 triệu USD, diện tích sử dụng là 35.000m2, tăng gấp 5 lần chợ An Đông cũ, gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 2 tầng lầu.

Chợ có hai mặt tiền, mặt phía trước nằm trên đường An Dương Vương, mặt phía sau hướng ra đường Hùng Vương. Hàng hóa được bày bán theo những khu riêng biệt ở mỗi tầng. Tầng hầm chuyên dành cho các quầy hàng ăn uống, sạp bán thủy hải sản khô, mắm cá các loại, đường-đậu, nguyên liệu nấu các món chè và pha chế nước giải khát... Riêng mặt hàng tôm khô được bán rất nhiều tại tầng hầm với đủ chủng loại và giá cả. Khách có thể thưởng thức nhiều loại chè đá, thức uống pha chế theo kiểu của người Hoa tại các quầy bán hàng giải khát. Mặt phía sau của tầng hầm là khu vực chuyên bán mặt hàng ly-tách, chén-dĩa, dụng cụ làm bếp...

Ở tầng trệt là các cửa tiệm trang sức vàng-bạc-đá quý từ hàng thật đến hàng xi, mạ xen lẫn với hàng trăm quầy mỹ phẩm, túi xách, va-li, tạp hóa, giày dép... Nhiều người mở quầy bán ở đây dưới hình thức đặt văn phòng giao dịch hoặc làm đại lý cung ứng hàng hóa sỉ cho khách hàng. Hàng hóa nhiều đến hoa cả mắt, ngoài các nguồn hàng giày dép và túi xách thông thường, nhiều chủ tiệm còn trưng bày nhiều loại sản phẩm cao cấp mang thương hiệu quốc tế. Tầng một và hai của chợ trông giống như “chợ thời trang quốc tế” với đủ kiểu quần áo thời trang may sẵn mang “mác” Việt lẫn Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan...

Xen kẽ với quầy quần áo thời trang là các sạp bán vải kề nhau ngút mắt. Hàng hóa được trưng bày cực kỳ đa dạng và mẫu mã liên tục được người bán cập nhật theo xu hướng thời trang. Ngoài sản phẩm bán lẻ, hầu như sạp nào cũng đầy ắp sản phẩm dự trữ đóng gói sẵn chực chờ mang đi theo yêu cầu khách hàng. Có thể nói, ngành hàng quần áo chiếm vị thế chủ lực của chợ An Đông với hơn 800 hộ kinh doanh hàng may mặc trong tổng số hơn 2.000 hộ tiểu thương hiện nay. Và chợ An Đông cũng là nơi bán sỉ hàng may mặc lớn nhất khu vực phía Nam.

Là một trong những chợ đầu mối lớn nhất TPHCM hiện nay, chợ An Đông trở thành trạm tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa tỏa đi các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Doanh số luân chuyển hàng hóa của chợ mỗi năm trên 1.500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 60 tỷ đồng/năm. Sự hòa trộn văn hóa giao thương giữa người Việt và người Hoa đã tạo nên nét đặc thù cho chợ theo kiểu “thuận mua, vừa bán”, lấy chữ tín làm đầu.

Số hộ tiểu thương người Việt, gốc Hoa, hiện có trên 400 hộ, kinh doanh chủ yếu một số mặt hàng bánh kẹo, đồ khô và tạp phẩm. Phục vụ đối tượng chính yếu là khách hàng trong nước, chợ còn nhận nhiều dịch vụ trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước với Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc... Chợ có cả dịch vụ bưu điện và ngân hàng nhằm giúp tiểu thương và khách hàng thuận lợi hơn trong giao dịch và trao đổi tiền tệ.

Hình ảnh chợ An Đông ngày nay trở nên hiện đại và văn minh hơn không chỉ thể hiện ở cung cách mua bán đảm bảo quyền lợi đôi bên, xây dựng những quầy hàng kiểu mẫu mà còn thể hiện ở chất lượng hàng hóa tốt, giá cả hợp lý đi kèm dịch vụ thương mại hiện đại. Chính những nét mới này đã “nâng chất” chợ An Đông trở thành điểm để các công ty du lịch đưa du khách trong, ngoài nước đến tham quan và mua sắm. Năm 2006, chợ An Đông là chợ đầu tiên của cả nước được cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000.

HỒNG LOAN

Tin cùng chuyên mục