Chợ Hàng Bè sắp vào ký ức

Chợ Hàng Bè sắp vào ký ức

Dù đã có dự án di dời từ những năm 2003 – 2005, sau nhiều lần điều chỉnh, ngày 31-7 tới được ấn định là thời hạn cuối để chợ Hàng Bè – một trong những chợ tạm nhưng đã có hàng trăm năm tồn tại giữa lòng phố cổ Hà Nội – phải hoàn thành việc giải tỏa, di dời.

Một góc chợ Hàng Bè hiện nay. Ảnh: T.B.

Một góc chợ Hàng Bè hiện nay. Ảnh: T.B.

Theo nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc, phố Hàng Bè xưa kia là một phần của đê sông Hồng cũ, thuộc thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc. Sau đó, thôn Nam Hoa đổi tên thành Nam Phố và tổng Hữu Túc cũng đổi tên là tổng Đông Thọ. Khi dòng chảy còn ở sát chân đê, các bè chở gỗ, nứa, lá, song mây và những vật liệu làm nhà khác từ miền ngược trở về áp vào đây bán. Do đó khúc đê này có tên là Hàng Bè, chợ trên đê gọi chợ Hàng Bè.

Dần dà, cát bồi đưa sông dần ra xa, đê trở thành phố và chợ Hàng Bè nằm gọn trong phố, rải theo hình chữ thập, trên cả con phố Gia Ngư, suốt từ đầu này giáp với Hàng Bè, sang đầu kia gặp ngõ Hàng Đào và còn lan sang cả phía Cầu Gỗ, nhưng theo thói quen vẫn chỉ được gọi chợ Hàng Bè. Dù đã “cao niên”, nhưng Hàng Bè vẫn là chợ tạm: sáng tinh mơ, lều lán, hàng quán được dựng lên, chiều tối lại dọn về.

Bởi thế, có dịp đi qua khu vực này vào ngày đầu năm mới Âm lịch, chợ chưa họp, nhiều người ngỡ ngàng vì diện mạo con phố. Hóa ra, sau những dãy hàng quán kia có những bức tường rêu mờ xanh, có cây hoa hoàng lan hương thoang thoảng bay và ô cửa chớp gỗ sơn xanh theo kiểu Pháp! Thế mà người dân ở đây bao năm qua vẫn chấp nhận “nhường phố cho chợ”, hẳn không phải không có lý do.

Ngày 10-6-2010, UBND TP Hà Nội đã quyết định xây dựng chợ Vọng Hà trên diện tích gần 1.200m² tại số 2A phố Vọng Hà (phường Chương Dương) để di chuyển chợ Hàng Bè về đây. Dự kiến năm 2011, chợ Vọng Hà được đưa vào sử dụng.

Với tôi, có thể thế này chăng: chợ bán nhiều món ăn ngon quá. Nhắc đến chợ Hàng Bè, không cứ những bà nội trợ đảm đang mà nhiều người ngay lập tức thốt lên: “Nhớ mua mắm tép chưng thịt nhé”. Mắm tép chưng thịt được chế biến ngay ở chợ, khách vừa được xem, vừa được hít hà mùi thơm quyến rũ đặc trưng của món ăn rất đưa cơm này. Mà cũng không chỉ mắm tép chưng thịt, còn cả chim quay, nem rán và nhiều quà bánh đặc sản khác mang phong vị Hà thành như cốm xào, chè sen, bánh dẻo… cũng được chế biến tại đây, ngày ngày góp mặt trên các mâm cỗ, bữa cơm gia đình Hà Nội. Có lẽ vì thế mà có nhà văn từng gọi chợ là “dạ dày của phố cổ”.

Một nét đáng nhớ khác là dáng dấp của một phiên chợ quê, với những ông già, bà cả, những cô gái bán hàng mộc mạc, giản dị, những món hàng mang chút hương vị quê mùa: chè xanh trong sọt, mớ rô ron nhảy tanh tách trong rổ tre và trứng gà trong ổ rơm vàng óng… Đôi lúc, người ta mơ màng nghĩ như mình đang ở một phiên chợ xa nào đó của vùng quê đồng bằng Bắc bộ.

Quy hoạch là việc làm cần thiết trong quá trình xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Điều cần nói thêm chỉ là, hy vọng những nét đặc sắc của một chợ Hàng Bè đã trở thành thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội sẽ được bảo tồn phần nào ở nơi chợ mới.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục