Chợ Xuân Thới Thượng

Chợ quê ở phố

Chợ quê ở phố

Ai từ tỉnh lên một lần ghé chợ Bến Thành hẳn sẽ choáng ngợp trước vẻ sang trọng, hiện đại của nó. Dân chợ nhưng các chị hàng vải, hàng nữ trang nói tiếng Anh như gió, chị nào cũng đẹp, cũng sang trọng trong bộ cánh sực mùi nước hoa, còn anh bảo vệ mặt lúc nào cũng căng thẳng.

Dân ở tỉnh lên chợ Bến Thành thường rụt rè, thích thứ gì nhiều khi cũng không dám đứng nghía lâu. Đi đứng phải ngó trước, dòm sau vì sợ bị lạc.

Chợ quê ở phố ảnh 1

Người già được ưu tiên ngồi bán trên sạp.

Các chợ An Đông, Bình Tây, Bà Chiểu, Kim Biên, Tân Bình... cũng hiện đại không kém. Sài Gòn là vậy, đâu đâu cũng sang trọng, cũng hiện đại. Tìm một cái chợ để ngồi ăn quà vặt mà không lo cháy túi, không nơm nớp sợ kẻ gian móc túi, không sợ bị chém... thật khó.

Vậy mà, anh bạn tôi khẳng định chắc nịch: “Ở Sài Gòn có chợ quê đấy!”.

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20 cây số, chợ Xuân Thới Thượng nằm gần Khu Di tích Lịch sử Ngã Ba Giòng, thuộc ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM quả là chợ quê có một không hai ở Sài Gòn.

Chợ được hình thành khá lâu, rộng chừng 600m2 với thiết kế đơn giản gồm mái che, vách tường, đặc biệt không ngăn kiot. Chị bán rau có thể ngồi gần bà bán thịt, cô bán bánh ngồi kề thím bán trái cây. Sự xen kẽ “ngọt ngào” ấy tạo nên văn hóa “không giành khách” ở chợ và thể hiện tính đoàn kết “bất cứ giá nào cũng giữ khách, họ không mua thịt thì cũng mua rau”, bác Tư khẳng định.

 Nếu ở các chợ khác, anh bán long não, bông gòn đứng sớ rớ trước chị hàng cá là ngay lập tức bị “mời uống trà” với quản lý chợ thì ở chợ Xuân Thới Thượng, cụ Ba có vài nải chuối chín sau vườn cũng đem lên chợ bày bán vô tư; anh Sáu “chạy” được vài ký tép ruộng cũng đem lên chợ; chị Hai nhà có ruộng rau muống, hồ bông súng đến luống cũng mang lên chợ. Hình ảnh vài trái đu đủ, dăm nải chuối chín, buồng cau, lá trầu, vài con cá rô đồng được bán nhỏ lẻ ở chợ không xa lạ gì.

Đẹp nhất là hình ảnh các bà bán hàng mặc áo bà ba, quần đen, đầu đội khăn rằn, miệng nhai trầu luôn xởi lởi chào mời khách rất chân tình: “Rau muống mới cắt tươi lắm nè cô Hai”; “Mua vài con tép về làm mắm đi bác Ba”. Không có khoảng cách giữa tiểu thương nhỏ và lớn, tất cả đều như nhau, người già được ưu tiên ngồi bán trên sạp, thể hiện sự kính trên, nhường dưới.

Điều ấn tượng của chợ quê này là giá cả rất mềm, các chị bán hàng với phương châm “không cân thiếu, bán giá rẻ để bà con nhớ đến quà quê mà còn đi chợ”.

Khách dù quen hay lạ đều được ưu ái. Một ký bông súng tươi rói giá 2.500 đồng; một ký cá lóc đồng cũng chỉ 27.000 đồng; một nải chuối xi mon thơm nức mũi chỉ 2.500 đồng. Trầu cau cũng là đặc sản của chợ quê, chúng được mang về từ mảnh đất “18 thôn vườn trầu” ở xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) lân cận.

Sài Gòn vẫn còn chợ quê với những món quà cũng đậm chất quê. Thật ấm lòng khi hòa mình vào chợ quê không ồn ào, náo nhiệt nhưng đầy ắp những câu mời thân thương: “Bánh ít nóng hổi đây”, “Mua trầu cưới hả con, để bác lựa trầu ngon, kẻo về ba mẹ rầy”.

THU HỒNG

Tin cùng chuyên mục