Chờ tín hiệu tích cực của thị trường

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2020 giảm 1,54% so với tháng trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Việc nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đã dẫn tới điều này.

Bên cạnh đó, còn một điểm đáng chú ý khác là dù giá xăng, dầu giảm rất sâu và kéo dài khá lâu nhưng giá các loại hàng hóa, dịch vụ chưa giảm nhiều. Điều này rất khác theo thông lệ, khi những lần trước, mỗi khi giá xăng, dầu giảm là giá nhiều dịch vụ, hàng hóa, đặc biệt là dịch vụ vận tải giảm theo; hoặc nếu chưa kịp giảm đã bị dư luận “nhắc nhở”. 

Không khó để tìm câu trả lời, nếu như trước kia chi phí nhiên liệu trong hoạt động vận tải chiếm tới khoảng 40% tổng chi phí thì nay chỉ rất thấp. Thậm chí, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động vận tải buộc phải ngưng hoàn toàn, chi phí nhiên liệu gần như bằng 0. Ngược lại, hàng loạt chi phí khác tăng mạnh như chi phí lưu đậu, duy tu, bảo dưỡng… Hiện nay việc giãn cách xã hội đã được nới lỏng, hoạt động vận tải trong nước đang từng bước được khôi phục. Do yêu cầu phải đảm bảo phòng chống dịch nên nhiều loại hình vận tải vẫn chưa được phép chở hết công suất nên giá thành dịch vụ vẫn cao. Trong sản xuất cũng vậy, khi giá nhiên liệu giảm sâu cũng là lúc nhiều ngành nghề phải ngưng sản xuất để đảm bảo chống dịch. Do đó, giá xăng, dầu giảm sâu không có tác động nhiều tới giá thành các loại hàng hóa này. 

Thế nhưng, giá cả trên thị trường lại không chỉ được điều tiết bởi giá xăng, dầu hay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Một yếu tố có tác động rất lớn đến giá cả thị trường là thực trạng cung - cầu. Khi các doanh nghiệp vận tải buộc phải tạm dừng hoạt động thì người dân cũng được khuyến cáo ở nhà, không đi ra ngoài nếu không có nhu cầu cần thiết. Còn hiện nay khi các yêu cầu về giãn cách xã hội đã được nới lỏng thì nhiều người dân vì lý do an toàn vẫn không mặn mà với xe công cộng.

Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua ô tô, xe gắn máy 2 bánh cá nhân… ken đặc là minh chứng rõ nhất. Nhu cầu đi lại bằng xe công cộng chưa cao nên chắc chắn các doanh nghiệp vận tải sẽ phải cân nhắc lại giá cả dịch vụ để có thể thu hút được hành khách. Vì thế, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất những mặt hàng không thiết yếu sẽ phải xem xét hạ giá thành nếu muốn người tiêu dùng “móc bóp” trong thời buổi này. 

Theo thống kê của ngành chức năng, trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, chỉ có những ngành như sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư y tế… tăng trưởng mạnh. Mặc dù để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh cho công nhân, người lao động nói chung, doanh nghiệp đều phải đầu tư thêm các thiết bị cần thiết như thuốc sát khuẩn, khẩu trang y tế… thế nhưng, về cơ bản, các doanh nghiệp này vẫn có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lợi nhuận. Có doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, trước mắt, rất kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ có sự điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ hợp lý hơn.

Cũng phải nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mọi vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế còn diễn biến khó lường. Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, các bộ ngành liên quan cần có thêm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, ít nhiều có tính chất độc quyền như điện, nước… thực hiện giảm hoặc giãn thời gian trả tiền cho người dân và doanh nghiệp để giúp họ vượt qua khó khăn. Các lĩnh vực còn lại, cơ bản đã có sự tham gia đông đảo của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, nên để cho thị trường điều tiết. Sự tham gia đông đảo này là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước không phải quá lo lắng sẽ có sự liên kết “làm giá” của các doanh nghiệp. Còn về phía người tiêu dùng, hãy chờ tín hiệu tích cực của thị trường.

Tin cùng chuyên mục