Chơi diều cũng lắm công phu

Nếu chiều chiều, chúng ta thấy một người có tuổi điều khiển xe gắn máy, có cái túi vải dài dài cặp theo xe và len lỏi trên con đường đất gập ghềnh, phía dưới chân cầu Xóm Củi, bạn cứ nói với người bên cạnh, đó là mấy chú đi thả diều. Bạn có thể trúng 9 trong 10 lần nói như vậy. Y như rằng, vài phút sau, bạn sẽ thấy một con diều bay lên không trung, trong tiếng sáo nhặt khoan, dìu dặt…
Chơi diều cũng lắm công phu

Nếu chiều chiều, chúng ta thấy một người có tuổi điều khiển xe gắn máy, có cái túi vải dài dài cặp theo xe và len lỏi trên con đường đất gập ghềnh, phía dưới chân cầu Xóm Củi, bạn cứ nói với người bên cạnh, đó là mấy chú đi thả diều. Bạn có thể trúng 9 trong 10 lần nói như vậy. Y như rằng, vài phút sau, bạn sẽ thấy một con diều bay lên không trung, trong tiếng sáo nhặt khoan, dìu dặt…

Khi diều căng gió

Của ai nấy chơi

Con đường đất ngoằn ngoèo, đầy ổ gà chui dưới cầu Xóm Củi dẫn vào một khu dân cư với nhiều căn nhà được xây dựng tạm bợ. Không ít căn nhà, chủ đã dỡ bỏ, chỉ còn trơ lại nền và tường lủng loang lổ. Người lạ không biết, nhưng dân trong khu dân cư ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh lại biết rất rõ. Kể cũng lạ, con đường trong khu dân cư là đường đất, nhưng lối ra đồng diều lại được trải nhựa phẳng phiu.

Con đường nhựa thẳng tắp dẫn vào dự án đang được phân lô, nhưng có lẽ chưa thuyết phục “nhà đầu tư” nên vẫn để trống. Từng ô, từng ô được rào xung quanh bằng vài hàng gạch đỏ. Trời nắng chang chang, cánh đồng mênh mông vắng ngắt, nhưng ngó lên trời sẽ thấy những con diều, tiếng sáo diều nhặt khoan trong gió.

Người đàn ông gầy gò, đen đúa, đang ngồi trong lùm cây núp nắng. Tấp xe vào lề, chúng tôi lò dò đến ngồi bên ông. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy con diều bay cao, căng gió nhưng không ai điều khiển. Ông cười cười chỉ tay về cuộn dây dày cui, gài cứng ở nắp cống thoát nước cách đó cả chục thước. Ông tự giới thiệu: “Tôi là Nguyễn Thanh Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Phượng Hoàng, trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố. Tôi năm nay 66 tuổi, chơi diều gần 60 năm rồi. Anh em chúng tôi xuất thân từ các quận, huyện, gặp nhau từ niềm đam mê chơi diều”.

Sách có câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” và câu này hoàn toàn đúng đối với mấy ông ghiền chơi diều đã tập hợp tại “cánh đồng diều” này hơn một năm nay. Chú Vân cho biết thêm: “Cứ mỗi dịp có sự kiện như Festival Diều ở Huế, Vũng Tàu, Đà Nẵng hay ở nước ngoài thì Trung tâm Văn hóa TPHCM lại cử anh em tụi tôi đi. Tiền thưởng không bao nhiêu, nhưng “màu cờ, sắc áo” mới quan trọng nhất. Anh em tụi tôi xác định như vậy”. Đến lúc này, chúng tôi mới dần hiểu diều có nhiều loại: diều khí động học, diều lượn, diều nghệ thuật, diều lượn 3D…

Cũng như thời trang, dân chơi diều bậc thầy cũng trải qua nhiều loại diều, trong đó đam mê nhất vẫn là diều truyền thống, đó là con diều dù có đuôi hay không đuôi nhưng dứt khoát phải gắn cây sáo ở giữa thân. Diều truyền thống có chiều ngang hơn 3m, dài khoảng 1,5m; áo bằng vải nylon, khung bằng sợi carbon hay tre. Và con diều dù nhỏ hay lớn cũng đều là hàng “handmade” (làm bằng tay), do các ông tự sáng tạo thiết kế và may từng mũi chỉ, luồn từng đường dây cho con diều yêu quý của mình. Do vậy, chơi diều có một luật bất thành văn: Diều ai nấy chơi!

Gió ơi! Về đây…

Vài ngày sau, trong một chiều cuối tuần, nắng như đổ lửa, chúng tôi quay lại đồng diều nhưng không thấy con diều nào bay lượn trên không trung. Lần này các chú tập hợp đông hơn ở lùm cây hôm nọ. Khoảng chục con diều đủ màu sắc nằm xếp lớp dọc lối đi, cách nơi các chú tập trung hàng chục mét. Chúng tôi vội tấp xe vào và trố mắt nhìn. Đưa ánh mắt ngó xa xăm vào hàng cây tràm phía xa xa, chú Vân cho biết: “Đến giờ này vẫn chưa có gió. Chúng tôi đã đợi gió về gần 1 tiếng đồng hồ rồi!”. Ít lâu sau, bỗng đâu gió từ bờ sông thổi phất phơ, làm sóng dậy hàng phi lao.

Anh Phạm Đức Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều quận 10 - người trẻ nhất trong nhóm mê chơi diều - chạy nhanh về phía mấy con diều. Như một ám hiệu ngầm, anh cầm con diều nào thì chủ nó sẵn sàng căng dây. Anh Hà nâng con diều bằng cả hai tay, rồi tung mạnh lên không. Chỉ chờ có vậy, con diều lướt nhẹ lên trời và dần tăng độ cao theo gió. Đến con diều của chú Vân thì gió đã bớt. Dây chùng, chú Vân phải chạy mất hút vào cánh đồng cỏ lau phía sau. Tiếng sáo diều vi vu, trầm bổng từng hồi hòa quyện vào nhau như một bản hợp xướng đủ khí thanh, âm sắc. Chúng tôi không thể phân biệt tiếng sáo diều nào của ai, nhưng các chú lại khá rành rọt.

Gỡ cái khăn dài ra khỏi đầu, anh Hà nói với chú Vân: “Cây sáo của chú chưa khô, tiếng nghe còn rè quá!”. Chú Vân gật đầu: “Phơi nắng mấy ngày rồi nhưng vẫn còn ẩm. Thả vài ngày là tiếng sáo trong trẻo ngay”. Không ai cầm dây điều khiển, cứ khi diều bay cao thì các chú lại gài cuộn dây vào mấy cái nắp cống.

Cái gì cũng có giá của nó, riêng mấy con diều truyền thống thì vô giá. Trong mấy ngày theo chân các chú đi thả diều, chúng tôi không thấy ai trong nhóm gợi ý mua, bán con diều thân thương hay bộ sáo yêu quý của mình.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, 67 tuổi, cố vấn kỹ thuật Câu lạc bộ Diều nghệ thuật Sao Vàng, quận Bình Tân, móm mém tâm sự: “Anh em tụi tôi tự tay làm diều. Sáng tạo chính là thú vui và đam mê mà tụi này không thể bỏ được. Chính vì lý do đó chúng tôi gắn kết bên nhau bao nhiêu năm nay!”. Mấy ai biết được, ông Hiệp không ít lần bỏ cơm, quên ngủ để làm cho xong con diều mà mình gửi gắm tất cả niềm tin yêu trong đó. Và, cũng nhiều lần ông Hiệp đã quên cả thời gian, một mình trong đêm tối ngồi lặng lẽ ngắm con diều yêu quý của mình bay lượn trên tầng cao hơn 300m dưới trời mưa tầm tã.

An toàn - điều kiện tiên quyết

Đam mê là một lẽ, còn việc chế tác con diều riêng cho mình để thỏa niềm đam mê, sáng tạo lại là điều thú vị khác. Nhưng trước hết phải có tiền. Trong nhóm chú Vân chỉ duy nhất chú Tâm nhà ở quận 6 thả diều có sườn bằng tre. Còn lại hơn chục con diều khác đều có sườn bằng thanh carbon.

Ông Hiệp cho biết: “Một số người mới chơi diều nghệ thuật, nhưng chưa biết làm diều thì cũng có thể mua. Giá cả vô chừng. Diều sườn bằng tre có giá hơn 2 triệu đồng. Còn diều có sườn bằng thanh carbon tùy theo thỏa thuận, từ 3 triệu đồng trở lên. Diều to, dây thả cũng phải tương xứng. Thí dụ, loại diều 2m thì phải dùng dây a-mi-ăng (loại dây không cháy) dày 12 dem (10 dem bằng 1mm), dài khoảng 210m, có giá 1,4 triệu đồng. Rồi bộ sáo cũng tùy loại, nhưng chắc chắn không dưới 3 triệu đồng”.

Sáo diều dù làm bằng chất liệu tre hay nhôm (bộ 3 ống hay 8 ống sáo) cũng đều được chế tác bằng tay. Do vậy, chỉ cần chuốt tre dày một chút, khoét lỗ nhỏ, sâu một chút là âm thanh phát ra đã khác nhau. Được phép các chú, tôi thò tay nắm ghịt thử dây diều. Gió không lớn, diều bay không cao, nhưng sợi dây căng nặng chình chịch. Chợt nhớ đến vụ tai nạn thả diều hồi tháng 3 vừa qua, tôi chợt rùng mình và buột miệng hỏi: “Con diều được thả ở ngã tư Giếng nước chắc dây cũng căng và nặng cỡ này?”.

Chú Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Phượng Hoàng, nói ngay: “Với con diều bằng khí động học và có chiều ngang 12m, cao 18m như vậy thì cánh đồng rộng lớn cỡ này cũng không thể thả được. Ước tính con diều phải cần thả dài dây ra xa 50m để lấy gió và cần một khoảng trống có đường kính tương đương 100m. Với con diều như vậy khi bay lên sẽ rất nặng, do đó cần có 50 sợi dây neo con diều lại và mỗi sợi dây phải dày khoảng 1cm. Con diều đó chúng tôi đều biết và chưa bao giờ được thả bay cao vì ở thành phố rất hiếm có mặt bằng nào đủ rộng để thả con diều đó. Chúng tôi chơi diều truyền thống, nhưng anh em luôn nhắc nhở nhau phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. An toàn ở dưới mặt đất để dây diều không vướng vào mọi người và an toàn ở trên cao để con diều không vướng vào dây điện!”.

Chắc có lẽ vì vậy, những người đam mê chơi diều truyền thống như chú Vân tự ví mình như một gánh hát rong. Họ liên tục đi tìm mặt bằng thật trống trải để thỏa đam mê. Lúc trước, nhóm của chú Vân thường tụ tập ở dưới chân cầu Kênh Tẻ. Khi các công trình nhà ở nơi này được xây dựng, mấy chú chạy về khu Trung Sơn. Rồi nơi đây cũng được đô thị hóa, dân chơi diều truyền thống mới tìm đến nơi này…

Với tình hình san lấp mặt bằng, chia lô… như hiện nay, chắc trong thời gian không xa, những người bạn của chú Vân sẽ chuyển địa điểm về cánh đồng ở sâu bên trong… Tất cả vì sự an toàn cho người chơi diều và người dân xung quanh. Thả diều - nghề chơi cũng lắm công phu…

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục