Chọn ngành nghề phù hợp

Diễn đàn “Tư vấn hướng nghiệp để các bạn trẻ vào đời” tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến của bạn đọc phân tích, thảo luận về việc xác định đúng mục đích và ý nghĩa của việc học, chọn ngành nghề phù hợp với mong ước và năng lực của bản thân.
Tư vấn tuyển sinh vào Trường Đại học HUTECH. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Tư vấn tuyển sinh vào Trường Đại học HUTECH. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Đừng bắt con cái học theo ý mình

Làm cha mẹ ai chẳng muốn con mình học giỏi, thành đạt, nhưng không nên vì thế mà đòi hỏi con bằng mọi giá phải theo ngành nghề mà cha mẹ muốn. Thực tế hiện nay có rất nhiều phụ huynh muốn con phải học theo ý mình, chỉ vì sĩ diện, sính danh, nên cố bắt con “mặc chiếc áo quá rộng”, không vừa sức. Với tâm lý học vì cha mẹ, con sẽ không học say mê. Từ đó dẫn đến việc học để đối phó, học đó rồi quên đó chứ không lưu vào bộ não, và cũng không chí thú với ngành nghề đang theo học. Khi học quá sức và không có niềm vui trong việc học, sẽ có thể chất và tâm lý yếu đuối.

Chúng ta đưa con cái đến trường học tập là để tiếp nhận tri thức, có một nền tảng kiến thức vững chắc để mai sau giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội, chứ không phải học để vì cái danh hão, vì cái bằng cấp. Cần phải hiểu sự phấn đấu ở đây không phải là chạy theo đám đông, chạy theo thành tích, hay làm những việc vượt quá tầm kiểm soát, mà là cố gắng học tốt để tự khẳng định mình, để trang bị kiến thức theo đuổi ngành nghề phù hợp với mong ước và năng lực của bản thân. Thay vì ép con học theo ý mình, thì cha mẹ nên là chuyên gia tâm lý, người bạn chân thành sát cánh bên con, lắng nghe, khuyên bảo, tư vấn cho con. Chỉ có xác định được đúng mục đích và ý nghĩa của việc học mới có thể thành những công dân giỏi giang, giúp ích cho nước nhà và gia đình trong tương lai.

                                             NGUYỄN THANH VŨ - quận Tân Phú, TPHCM

Không nên chọn ngành theo phong trào

Có nhiều tiêu chí trong việc xác định ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ còn chưa xác định đúng đắn về vấn đề này. Nhiều bạn chỉ chọn ngành nghề theo tiêu chí có thu nhập cao, nhu cầu thị trường lao động cao. Ngành nghề có thu nhập, nhu cầu cao chưa hẳn mình trúng tuyển vào được, hoặc vào được nhưng lại không có khả năng theo được, phải “đứt gánh giữa đường”. Học được nhưng chưa chắc khi ra trường làm được, vì có thể bản thân mình không đam mê, không phù hợp với ngành nghề đó, hoặc lúc mình ra trường thì ngành nghề đó không còn nhu cầu nữa. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, sẽ có khoảng 49% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới.

Một số bạn chọn ngành nghề theo tiêu chí ngành thời thượng, hấp dẫn. Do vậy, các ngành nghề có tên “công nghệ”, “quản trị”, “quốc tế” thường có rất nhiều bạn đăng ký theo học, mà không cần biết bản thân mình có phù hợp không và không cần hiểu nội dung, đặc điểm, yêu cầu, nhu cầu của ngành nghề. Nhiều bạn chọn theo tiêu chí “trúng tuyển dễ, học nhẹ nhàng”. Điều này thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành kinh tế luôn chiếm tỷ trọng áp đảo trong nhiều năm gần đây.

Cụ thể, chỉ tiêu của ngành này ở hệ đại học năm 2019 có 126.473, nhưng số nguyện vọng đăng ký lên tới 822.956. Khối ngành kinh tế là lĩnh vực được rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo vì dễ tuyển sinh, chi phí đào tạo thấp, lợi nhuận cao. Việc số lượng thí sinh đăng ký quá nhiều vào lĩnh vực kinh tế thể hiện đây là hội chứng lựa chọn theo kiểu phong trào và làm mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng. Quy mô và mức độ phát triển của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam không hấp thụ được hết số nhân lực quá lớn như vậy. Hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội sẽ thấp và ảnh hưởng đến phát triển của quốc gia. Bản thân người học sẽ chịu nhiều tổn thất lớn về công sức, thời gian, tiền bạc, cơ hội nghề nghiệp nếu chạy theo tâm lý phong trào trong lựa chọn của mình.

Khi chọn ngành nghề theo học, cần xét hội đủ nhiều yếu tố. Ngành nghề đó phải phù hợp với bản thân về sở thích, khả năng nghề nghiệp, tính cách, năng lực học tập, điều kiện kinh tế, sức khỏe. Ngành nghề đó tạo cho mình nhiều cơ hội nghề nghiệp và khả năng phát triển về nghề nghiệp. Một ngành nghề có “biên độ ứng dụng nghề nghiệp” rộng rãi sẽ có nhiều cơ hội hơn. Học một ngành có thể làm được nhiều nghề và dùng kiến thức nhiều ngành để làm một nghề đang và sẽ là xu thế của thị trường lao động. Điều này là rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.

                                    TRẦN TIẾN MINH - tienminhtran2020@ gmail.com

Tin cùng chuyên mục