Theo Cục Thuế TPHCM, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chuyển giá. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, về vấn đề này.
- PV: Xin bà cho biết, tình trạng chuyển giá ở các DN trên địa bàn TPHCM thời gian qua như thế nào? Các dấu hiệu chuyển giá chủ yếu tập trung vào những hình thức nào? Nguyên nhân do đâu?
>> Bà LÊ THỊ THU HƯƠNG: Tình trạng chuyển giá trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua tập trung vào các DN FDI và tập đoàn kinh tế lớn. Hình thức chuyển giá chủ yếu tập trung vào đơn giá gia công sản phẩm; đơn giá bán sản phẩm; giá nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu; giá thực hiện các dịch vụ tư vấn, quản lý; bản quyền nhãn hiệu hàng hóa, lãi vay từ công ty mẹ...
Nguyên nhân thứ nhất, xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn.
Thứ hai, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích không làm thay đổi lợi ích toàn cục.
Thứ ba, việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung, nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại. Tồn tại sự khác nhau về chính sách thuế của các quốc gia là điều không tránh khỏi do chính sách kinh tế-xã hội của họ không thể đồng nhất, cũng như sự hiện hữu của các quy định ưu đãi thuế là điều tất yếu. Chênh lệch mức độ điều tiết thuế vì thế hoàn toàn có thể xảy ra.
- Việc xử lý tình trạng chuyển giá, nhất là đối với những DN FDI hiện nay gặp khó khăn gì, thưa bà?
Khó khăn lớn nhất hiện nay là các dữ liệu thông tin còn hạn chế, không đủ căn cứ pháp lý khi sử dụng, các ứng dụng về thông tin người nộp thuế còn phân tán không đầy đủ, không có sự kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các bên khác, kể cả cơ quan quản lý thuế nước ngoài, nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính. Thiếu các cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác ấn định thuế có tính chất hệ thống và căn cứ pháp lý. Đối với giao dịch liên kết có cả chuyển giá đầu vào và chuyển giá đầu ra, việc xác định giá giao dịch độc lập của các bên có giao dịch liên kết rất khó khăn vì không có sản phẩm đồng loại để đối chiếu. Kỹ năng thực hiện các phương pháp chống chuyển giá của cán bộ thanh tra kiểm tra thuế còn hạn chế. Công tác kiểm tra kiểm soát việc thực hiện theo Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính còn hạn chế, chưa triệt để nên các DN hầu như không tự điều chỉnh đối với các trường hợp có quan hệ giao dịch kinh doanh liên kết và cơ quan thuế chưa đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp mạnh đối với các trường hợp không chấp hành...
- Theo bà, để hạn chế tình trạng chuyển giá, nhất là ở các doanh nghiệp FDI, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào?
Đề nghị nghiên cứu sửa Luật Doanh nghiệp, trong đó quy định rõ nghĩa vụ phải bổ sung vốn trong trường hợp lỗ quá vốn đăng ký. Nhà nước cần thiết ban hành quy định thành chính sách đối với các trường hợp có quan hệ kinh doanh liên kết sau một thời gian nhất định không tự điều chỉnh hoặc không phát sinh thu nhập tính thuế trong thời gian 3 năm từ khi thành lập, sẽ phải nộp theo một tỷ lệ nhất định theo từng ngành nghề lĩnh vực như đối với thuế nhà thầu.
Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế ngoài việc thành lập hệ thống chỉ đạo công tác chống chuyển giá xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, cần hỗ trợ các Cục Thuế trong công tác thanh tra chống chuyển giá. Nhà nước cần ban hành quy định các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không được kê khai lỗ đối với một số ngành nghề như: gia công, sản xuất phần mềm...
Đối với các trường hợp điều chỉnh thu nhập tính thuế TNDN theo Thông tư số 66/2010/TT-BTC, thì DN sẽ không được hưởng ưu đãi thuế về thuế suất cũng như thời gian ưu đãi miễn giảm, trừ trường hợp DN tự điều chỉnh theo hướng dẫn. Trường hợp cơ quan thuế điều chỉnh doanh thu chi phí theo Thông tư số 66/2010/TT-BTC của DN có quan hệ kinh doanh liên kết thì DN sẽ không đủ điều kiện để hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), trừ trường hợp DN tự điều chỉnh.
Đề nghị bổ sung không hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp có quan hệ kinh doanh liên kết, DN không tự điều chỉnh theo Thông tư số 66/2010/TT-BTC dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ liên tục nhiều năm, số lỗ vượt quá số vốn pháp định của DN. Đề nghị bổ sung quy định việc điều chỉnh doanh thu khi tính thuế TNDN theo Thông tư số 66/2010/TT-BTC, đồng thời điều chỉnh cả doanh thu tính thuế GTGT.
- Công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá sẽ được ngành thuế TP triển khai như thế nào trong thời gian tới?
Tập trung thanh tra các DN kê khai lỗ, đặc biệt đối với các DN có quan hệ giao dịch liên kết. Tiếp tục thu thập các thông tin về các ngành nghề lĩnh vực thường xuyên có hiện tượng chuyển giá để có tỷ lệ lợi nhuận ngành thích hợp ấn định cho các DN có hoạt động liên kết có dấu hiệu chuyển giá không xác định được giá giao dịch độc lập. Ngành thuế đã có phần mềm ứng dụng phân tích thông tin rủi ro người nộp thuế phục vụ công tác lập kế hoạch thanh tra (TPR) sẽ tập trung được toàn bộ thông tin người nộp thuế trong cả nước để có cơ sở dữ liệu nguồn, đánh giá phân tích rủi ro và đưa ra những tỷ lệ phù hợp, có thể sử dụng để thực hiện so sánh giá giao dịch của các DN có giao dịch liên kết. Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung được Quốc Hội thông qua có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013 đã có thêm phương pháp hạn chế chuyển giá trong giao dịch liên kết đó là thoả thuận giá trước (APA) đối với DN FDI, nhằm giúp cho cơ quan thuế và DN FDI có giao dịch liên kết có thể thoả thuận một mức lợi nhuận phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện cho DN thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam...
- Xin cảm ơn bà!
Đình Lý