ĐBSCL đang bước vào mùa sạt lở. Ở nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long sạt lở bờ sông xảy ra liên tục, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân. Các tuyến đê biển cũng đang ngày đêm bị sóng biển tấn công, trong khi đó, nhiều dự án chống sạt lở trong vùng lại đang án binh bất động vì thiếu vốn.
Liệu cơm gắp mắm
Tuyến đê biển Tây ở Cà Mau dài 93km kéo chạy dài qua 3 huyện Trần Văn Thời, Đất Mũi và Phú Tân đến địa phận giáp ranh với tỉnh Kiên Giang được xây dựng từ năm 1997. Đây là tuyến đê có vai trò quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng sản xuất rộng hàng trăm ngàn hécta của tỉnh Cà Mau.
Mấy năm gần đây, nước biển dâng cao, cùng với sóng to, gió lớn đã khiến nhiều đoạn đê biển Tây bị tàn phá nặng nề. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, tuyến đê biển Tây hiện có 7.560m bị sạt lở nghiêm trọng cần bảo vệ gấp. Đặc biệt trong số này, có trên 6.000m tập trung chủ yếu tại khu vực cống Lung Ranh đến Rạch Dinh thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh không còn rừng phòng hộ nên sóng biển mặc sức dập thẳng thân đê, khiến nhiều đoạn đứt gãy có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, các công trình bảo vệ đê biển Tây lại đang phải thực hiện cầm chừng vì thiếu vốn. Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cần phải thực hiện kè ngầm ly tâm bằng bê tông chắn sóng lấn ra biển từ 50 - 100m. Khoảng cách từ đê ra đến kè ngầm sẽ dần hình thành bãi bồi, sau đó tiến hành trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê. Tuy nhiên, việc thực hiện kè ngầm rất tốn kém, ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng cho toàn tuyến đê biển Tây.
Cũng theo ông Tô Quốc Nam, hiện mỗi năm, vốn từ trung ương phân bổ về tỉnh chỉ khoảng 50 tỷ đồng nên địa phương luôn phải tính toán liệu cơm gắp mắm, ưu tiên xây dựng kè cho những vị trí xung yếu, trước khi tính đến chuyện làm lại đê.
Tại Bạc Liêu, tuyến đê biển Đông cũng bị hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Văn Bé ở ấp 1, thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) phải chuyển nhà nhiều lần vì bờ sông sạt lở. Ông Bé kể: Họng cửa Gành Hào ngày trước ngoài đó có nguyên ấp 1 nhưng đã bị xói lở hết, nhất là sau cơn bão số 5 năm 1997. Sau đợt xói lở dữ dội, cửa biển Gành Hào được xây dựng con đê bê tông, vòng từ ngoài bờ biển vào theo bờ sông, gọi là lá chắn bảo vệ thị trấn. Nhà ông Bé sát đê, vào mùa gió chướng sóng biển cao hơn mặt đê 1 - 2m đổ ầm ầm vào cửa nhà. Tương tự, đê biển ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu cũng đang trong tình trạng bị xói lở nghiêm trọng.
Trì trệ vì thiếu vốn
Không có sóng to, gió lớn như biển Tây song tình trạng sạt lở bờ sông ở các tỉnh ĐBSCL cũng đang rất nghiêm trọng; trong đó An Giang là địa phương đang xảy ra sạt lở nhiều nhất. Chỉ trong vòng 3 tháng qua, tỉnh này đã phải 3 lần công bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở bờ sông Hậu, sông Tiền đi qua địa bàn. Gần 130 hộ dân mất nhà cửa, phải di dời đi nơi khác. Hiện tại sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra ở các huyện Tân Châu, Chợ Mới và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết: “Hiện nay An Giang có 52 khu vực bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở với tổng chiều dài trên 30km. Đáng báo động nhất là 4,3km bờ sông Hậu đi qua TP Long Xuyên, trung tâm hành chính tỉnh An Giang. Để cứu 4,3km bờ sông này, Sở TN-MT tỉnh An Giang đang kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án chỉnh trị dòng chảy tuyến sông Hậu khu vực TP Long Xuyên. Để thực hiện dự án này, cần nguồn kinh phí lên đến 2.400 tỷ đồng”. Đây là số tiền quá lớn, vượt quá khả năng của địa phương.
Tại Cần Thơ, tuyến kè sông Cần Thơ dài 10,27km cũng trì trệ quá thời hạn 6 tháng so với kế hoạch vì thiếu vốn trầm trọng. Đặc biệt, do trượt giá, công trình này còn bị đội vốn trên 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu nên tình hình giải ngân lại càng khó khăn.
Còn ở Tiền Giang, cuộc sống của gần 2.000 hộ dân sống ven kênh Chợ Gạo cũng đang rất khốn khổ vì sạt lở. Nhiều hộ dân đã phải dời nhà 2 - 3 lần do sạt lở xâm thực. Để hạn chế sạt lở, ổn định đời sống người dân, từ tháng 10-2009, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo bao gồm các hạng mục: xây dựng kè chống xói lở, đường dân sinh theo tiêu chuẩn đường đồng bằng cấp 5 và đường giao thông nông thôn loại B… Tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn nằm yên bất động chờ vốn.
ĐÌNH TUYỂN