Trong một nỗ lực nhằm giúp chính phủ bài trừ nạn tham nhũng, hơn 50 công ty nước ngoài đang hoạt động ở Nga, trong đó có nhiều công ty lớn của Đức, đã ký thỏa thuận chống mọi hình thức hối lộ cho nhà chức trách Nga. Sáng kiến này của các công ty nước ngoài được đưa ra như một biện pháp hỗ trợ chính sách chống tham nhũng vừa được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev công bố, qua đó đặt vấn đề chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Nga.
Theo thông báo của Phòng Thương mại Nga-Đức ở Mátxcơva, phần lớn Công ty Đức hoạt động ở Nga đều tham gia sáng kiến này, trong đó có Tập đoàn công nghiệp Siemens, Hãng sản xuất ô tô Mercedes, Ngân hàng Deutsche Bank, Công ty Đường sắt Deutsche Bahn... Đây không phải là hành động hình thức mà các công ty đã thông qua những cơ chế cụ thể để chống lại những hình thức tham nhũng đang diễn ra ở cấp độ hàng ngày này.
Thỏa thuận, dựa trên sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2004, áp dụng một chính sách “không khoan dung” đối với các công ty tham gia ký kết cũng như các đối tác kinh doanh của họ nhằm chống tệ hối lộ và tham nhũng ở Nga.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, hơn 300 tỷ USD đã được chi hối lộ hàng năm ở Nga (hơn 1/4 GDP nước này trong năm 2009). Trong những tháng vừa qua, số vụ tham nhũng ở Nga vẫn gia tăng mạnh, trong đó hai vụ scandal hối lộ mới nhất ở Nga đều có liên quan đến công ty nước ngoài.
Vụ thứ nhất xảy ra đối với Hãng xe hơi Daimler của Đức. Hãng sản xuất loại xe sang Mercedes này vừa bị Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc tội hối lộ cho quan chức của ít nhất 22 quốc gia hàng chục triệu USD để “bôi trơn” hoạt động kinh doanh.
Vụ thứ hai là tập đoàn máy tính khổng lồ của Mỹ Hewlett-Packard đang bị tình nghi đã chi khoảng 11 triệu USD tiền hối lộ trong 7 năm qua để giành một hợp đồng ở Nga.
Nạn tham nhũng đang lây lan trên toàn cầu như một thứ bệnh dịch. Từ nhận thức sâu sắc về hậu quả do nạn tham nhũng gây ra, chống tham nhũng đã và đang trở thành một nhiệm vụ trọng tâm và thiết yếu trong việc giữ vững sự ổn định về chính trị và phát triển đất nước.
Việc các đối tác nước ngoài cam kết không hối lộ các quan chức địa phương là một trong những đóng góp quan trọng vào cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay trên thế giới.
Xuân Hạnh