Chống túi nhựa: “Cuộc chiến” toàn cầu

Chống túi nhựa: “Cuộc chiến” toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Anh, Alistair Darling, hôm 16-3 công bố các kế hoạch thu phí với túi nhựa sử dụng một lần. Như vậy, Anh là nước mới nhất tham gia “cuộc chiến” chống các loại bao bì bằng chất dẻo vốn rất khó bị phân hủy. Xin giới thiệu một số quốc gia tích cực tham gia “cuộc chiến” chống túi nhựa này.

Chống túi nhựa: “Cuộc chiến” toàn cầu ảnh 1
Túi nhựa, kẻ thù của môi trường

Theo kế hoạch, Anh sẽ thu phí túi nhựa với mức từ 25 xu đến 1 USD/túi. Dù còn nhiều ý kiến trái ngược về vấn đề này – như nếu ở mức tối thiểu 25 xu, các nhà bán lẻ sẽ mất 650 triệu USD/năm, hay ý kiến không cần đánh thuế, chỉ cần đầu tư vào các nhà máy tái chế nhựa... – nhưng thông qua việc làm này, đảo quốc sương mù đã cho thấy nỗ lực mới của mình trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.

Tại Australia, từ năm 2002, khoảng 90% nhà phân phối đã đạt một thỏa thuận tự nguyện nhằm cắt giảm sử dụng túi nhựa. Nhờ đó, từ 6 tỷ túi nhựa sử dụng trong năm 2002 đã giảm xuống còn 3,9 tỷ túi trong năm 2005. Chính phủ mới của Australia dự kiến áp dụng mức thuế từ 15-60 xu euro/túi nhựa.

Tháng 1-2008, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới tuyên bố sẽ cấm bán và sử dụng túi nhựa mỏng kể từ tháng 6 tới, người mua sắm sẽ phải trả một mức phí nhất định ngay tại các siêu thị hoặc cửa hiệu. Tháng 2-2008, nhà máy sản xuất túi nhựa lớn nhất ở Trung Quốc với 20.000 công nhân đã phải đóng cửa.

Năm 1996, Tập đoàn siêu thị Leclerc ở Pháp đã đưa ra thị trường loại túi nhựa có thể tái chế, tái sử dụng và có thể đổi túi mới miễn phí. Nhưng từ năm 2007, các siêu thị đều phải trả phí sử dụng túi nhựa.

Tại Đức, các siêu thị phải trả mức phí từ 5-25 xu euro/túi nhựa, trong khi các cửa hàng bách hóa buộc phải dùng các loại túi nhựa có thể tái sử dụng.

Tháng 3-2007, San Fransisco đã trở thành phố đầu tiên của Mỹ cấm các siêu thị sử dụng túi nhựa không phân hủy được. Bang California yêu cầu các nhà bán lẻ lớn phải tái chế túi nhựa.

Từ năm 1999, các túi nhựa tái chế sử dụng để đóng gói hàng hóa bị cấm ở Ấn Độ. Việc sản xuất và sử dụng bất kỳ loại túi nhựa nào cũng bị cấm, vi phạm bị phạt đến 250 USD. Việc áp dụng lệnh cấm này tùy thuộc từng bang.

Loại “thuế túi nhựa” được đưa ra ở Ireland vào năm 2002 và hiện được áp dụng ở mức 22 xu euro/túi nhựa. Số tiền thu được sẽ dành cho các dự án sinh thái. Từ năm 2002 tới nay, việc sử dụng túi nhựa đã giảm 90%.

Tại Kenya, lệnh cấm sử dụng túi nhựa mỏng có hiệu lực từ cuối năm 2007, cùng các mức thuế khá cao đánh vào các loại túi nhựa dày.

Mỗi túi nhựa sử dụng trong các siêu thị hoặc cửa hiệu ở Nam Phi đều có mức giá từ 2-3 xu euro.

ANH VĂN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục