
Lợi dụng chủ trương xây dựng khu dân cư - khu công nghiệp (KDC-KCN), Công ty TNHH Tứ Hải - chủ đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng KDC-KCN Tân Đông Hiệp - Dĩ An (Bình Dương) đã phân lô bán nền KDC “trên giấy” ồ ạt ra thị trường để chiếm dụng vốn đầu tư.
Bán đất khi chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết

Dự án KDC-KCN Tân Đông Hiệp được thành lập theo Quyết định số 714/TTg (30-8-1997) của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 5-2002, Thủ tướng tiếp tục có Quyết định 372/QĐ-TTg điều chỉnh dự án và chấp thuận cho Công ty TNHH Tứ Hải làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu Tân Đông Hiệp B, có diện tích 164,12 ha dành cho công nghiệp, trong đó có 15,4 ha đất được phép xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này, “nhà đầu tư” Tứ Hải do ông Ngô Quang Chính làm giám đốc, từ đầu năm 2002, đã bán đất phục vụ tái định cư ra thị trường cho đủ loại đối tượng, với hàng trăm hợp đồng mua bán trong năm 2002.
Trong khi đó đến tháng 3-2006, UBND tỉnh Bình Dương mới có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dân cư Tân Đông Hiệp B. Do xung quanh khu B còn có các khu khác do Becamex Bình Dương đầu tư hạ tầng khá hấp dẫn nên Tứ Hải đã vẽ ra cảnh tượng một khu dân cư hoàn thiện như của Becamex hiện hữu khiến người dân đổ xô vào mua nền với hy vọng sẽ kiếm lời sau một thời gian ngắn.
Bà Phạm Thị Nhàn - năm 2003 là kế toán trưởng của Công ty TNHH Tứ Hải, đã thông báo với các khách hàng là, bên cạnh giá bán đất tái định cư theo hợp đồng của công ty, khách hàng phải nộp thêm một khoản tiền chênh lệch.
Bà Đoàn Thị Ngọc - một trong số hàng trăm khách hàng của Tứ Hải - cho biết, bà đã thực hiện hợp đồng mua bán với Tứ Hải 2 nền: nền số NL13/55 diện tích 100m2, giá của công ty là 700.000 đồng/m2 nhưng bà phải nộp thêm 40 triệu đồng chênh lệch. Nền số NL 13/54 cũng có diện tích 100m2 nhưng ở vị trí khác và bà cũng phải nộp thêm 50 triệu đồng chênh lệch. Tất cả những khoản tiền chênh lệch này, bà Nhàn không thể hiện trên hợp đồng mua bán vì phải trả lại cho những đối tượng có đất tái định cư (!).
Bằng thủ đoạn này, qua 2 đời giám đốc là ông Ngô Quang Chính và bà Nguyễn Thị Mai Ngoan, từ năm 2002 đến tháng 8-2005, KDC này đã bán “trên giấy” 7,48 ha cho trên 500 người không phải diện tái định cư. Liều lĩnh hơn, giám đốc Ngô Quang Chính còn phóng tay thực hiện hợp đồng mua-bán hẳn 10.000m2 đất trong KDC cho ông Thế Khanh với giá 2 tỷ đồng. Khi sự việc vỡ lở và không còn đất để giao, Tứ Hải đã chuyển đổi 10.000m2 đất dân cư này bằng 15.000m2 đất trong KCN cho ông Thế Khanh! Tổng giá trị của hợp đồng giữa Công ty Tứ Hải và các khách hàng, số tiền bán đất cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư trên 22 tỷ đồng.
Còn các đối tượng chính trong KDC-KCN Tân Đông Hiệp B, là những hộ thuộc diện có đất bị thu hồi thì sao? Toàn khu có khoảng 360 hộ thuộc diện giải tỏa đền bù và được cấp đất tái định cư theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương. Sau hơn 4 năm xây dựng KDC-KCN này, đến nay, số hộ tái định cư đã thực nhận nền chỉ có 78 hộ với khoảng 2,2 ha.
Bà Bùi Thị Đức (71 tuổi) nói: “Nhà tôi có 1 ha đất nông nghiệp, quanh năm bươn chải cũng tạm đủ sống. Nhà nước quy hoạch phát triển KCN gần 10 năm rồi nhưng đến nay tụi tui vẫn phải ở nhà tạm. Đất bị bán ra cho các đối tượng bên ngoài còn tụi tui mỏi cổ chờ mà không biết khi mô có đất tái định cư?”.
Cùng cảnh ngộ với bà Đức có gần 280 hộ không biết lúc nào được nhận đất tái định cư trong khi đất của họ đã bị giải tỏa thu hồi. Nếu tính đất mà Tứ Hải đã bán ra ngoài và cấp tái định cư cho các hộ “trên giấy” thì diện tích đất lên đến 16,913 ha trong khi KDC này chỉ được phép xây dựng 15,4 ha. Ngoài ra, hiện khu này còn 103 hộ chưa giải toả với diện tích 30 ha, không biết lấy đâu ra đất để giải quyết tái định cư cho những hộ này.
Giải quyết như thế nào?
Ông Trần Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải- người kế nhiệm vị trí này, hết sức lúng túng khi đối mặt với thực tế này. Những người tiền nhiệm đã bán đất KDC ra ngoài thị trường và thu tiền trái quy định, nay đã chuyển đi nơi khác làm việc và chuyển nhượng cổ phần lại cho người khác. “Hàng ngày người dân kéo đến công ty khiếu kiện đòi được giao đất vì đã nộp tiền, đòi được nhận đất tái định cư… nhưng đất đâu nữa mà chúng tôi giao?”- ông Tuấn phân bua.
Tuy Tứ Hải xây dựng phương án hoàn trả tiền lại cho người mua trước đây và chịu trả thêm lãi suất 12% nhưng không được khách hàng chấp nhận vì khoản tiền chênh lệch mà họ đã nộp cho những người có vị trí trong Công ty Tứ Hải không được giải quyết. Ông Tuấn nói: “Nếu không thể thương lượng được, chỉ còn cách nhờ cơ quan công an điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật!”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu: “Đối với diện tích 6,48 ha trong khu đất tái định cư, việc mua bán trước đây là bất hợp pháp vì vậy yêu cầu thu hồi ngay và trả lại tiền cho người mua để bố trí tái định cư theo quy định. Việc sang nhượng đất trong KDC cho các đối tượng không phải tái định cư là trái với mục đích sử dụng đất quy định của Nhà nước. Điều này làm cản trở việc xây dựng hạ tầng phát triển KCN và ổn định cuộc sống người dân địa phương. Yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ để xử lý những cá nhân sai phạm…”.
Với hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất đang chờ tái định cư, Công ty TNHH Tứ Hải phải có trách nhiệm giải quyết sớm, dứt điểm.
LÊ PHONG - QUỐC HÙNG