128.000ha rừng bị lấn chiếm
Theo thống kê của Sở Nông Nghiệp – Môi trường tỉnh Đắk Lắk, diện tích rừng tự nhiên là 1.307.041ha, diện tích đất có rừng là 507.409ha. Trong đó, 128.000ha rừng bị người dân lấn chiếm. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh bị lấn chiếm, chủ yếu do người dân khai thác trái phép để canh tác nông nghiệp, làm nhà ở hoặc mua bán, sang nhượng đất trái phép. Tình trạng này diễn ra phổ biến tại các huyện Ea H'leo, Ea Súp, Cư M'gar, Krông Bông và Ea Kar. Đối tượng lấn chiếm đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhằm thu hồi lại diện tích đất rừng bị lấn chiếm, UBND tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2025 tỉnh sẽ thu hồi 30% diện tích lấn chiếm và đến cuối năm 2026 sẽ và hoàn thành thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
UBND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) là đơn vị tiên phong trong việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Mới đây, UBND huyện Ea Súp phối hợp với ngành chức năng thu hồi gần 742ha đất rừng bị người dân lấn chiếm tại tiểu khu 293, xã Cư Mlan (huyện Ea Súp). Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk giao 1.165,2ha đất rừng ở tiểu khu 293 xã Cư M'Lan cho Công ty TNHH Anh Quốc thuê trồng cao su, trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, doanh nghiệp này đã để hàng trăm ha rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm. Ngày 23-2-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi diện tích này, giao lại cho UBND xã Cư M'Lan quản lý. Theo hồ sơ vi phạm hành chính của UBND xã, tiểu khu 293 có 134 trường hợp lấn chiếm với tổng diện tích 981,7ha.
Tương tự, tháng 12-2012, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát thuê 714ha đất tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung (Ea Súp) để thực hiện dự án đầu tư cải tạo rừng, khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng. Doanh nghiệp này cũng để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng bị lấn chiếm. UBND tỉnh phải thu hồi lại diện tích đã giao. UBND huyện Ea Súp đã tổ chức vận động, thu hồi hơn 622ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung mà không phải tổ chức cưỡng chế.
Theo ông Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, UBND huyện Ea Súp đã thu hồi 1.458ha rừng bị người dân lấn chiếm. Diện tích thu hồi chủ yếu tại xã Ea Bung và Cư Mlan. "Ngành chức năng của huyện vẫn đang tiếp tục rà soát, các diện tích rừng bị lấn chiếm và quyết liệt thu hồi trong thời gian tới để trồng lại rừng", ông Hạnh thông tin.
Quyết liệt nhưng phải nhân văn
Ngược về huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) ngành chức năng huyện này cũng rốt ráo trong việc triển khai kế hoạch rà soát, thống kê diện tích rừng bị lấn chiếm để chuẩn bị các phương án thu hồi.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, toàn huyện có 92.000ha đất lâm nghiệp. Thời điểm những năm 1996 rộ lên tình trạng người dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc (chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông) đến địa phương, vào vùng lõi rừng khai phá, lấn chiếm đất để trồng cây nông nghiệp. Do đó, diện tích rừng bị lấn chiếm rất nhiều và manh mún nhiều khu vực. Hiện nay, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các chủ rừng, tập trung rà soát diện tích rừng bị lấn chiếm. Qua đó, lập phương án, kế hoạch sẽ tổ chức thu hồi lại đất rừng bị lấn chiếm.

“Các phương án thu hồi đất rừng phải thực hiện thận trọng, chặt chẽ và phải đảm bảo tính nhân văn. Trong đó, ưu tiên thu hồi các diện tích mới bị lấn chiếm. Đối với những hộ dân chưa có đất sản xuất, đất ở, UBND huyện cũng sẽ xem xét các yếu tố phù hợp để đề xuất bố trí đất sản xuất, đất ở theo các dự án ở ổn định dân di cư tự do để người dân an sinh”, ông Pháp nói thêm.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, việc thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tiến hành rất quyết liệt nhưng cũng nhân văn. Tỉnh sẽ rà soát những diện tích nào đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2024 sẽ cấp giấy chứng nhận cho dân.
“Chúng tôi sẽ định hình lại, quy hoạch lại lâm phần trên thực địa. Căn cứ quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất của từng huyện, từ đó quy hoạch bố trí đất sản xuất, đất ở cho dân. Những diện tích nào đã quy hoạch lâm nghiệp, có rừng thì chúng tôi kiên quyết bảo vệ rừng. Diện tích mất rừng thì tiến hành trồng rừng”, ông Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh.