
Đến nay, vụ lúa Hè Thu 2025 toàn tỉnh Long An xuống giống được hơn 133.000/217.300ha, đạt hơn 61% kế hoạch gieo sạ toàn vụ, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ. Hiện nông dân đang tiếp tục gieo sạ đợt 2, dự kiến sẽ kéo dài đến 28-5 và đợt 3 từ ngày 10-6 đến 25-6 sẽ gieo sạ tại các vùng không chủ động nguồn nước và các huyện phía Nam có đê bao an toàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Long An, đa số diện tích lúa đã gieo sạ đang phát triển tốt và ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh nhưng lại xuất hiện sâu bệnh phá hại như: rầy nâu, bệnh đạo ôn, bọ trĩ, sâu cuốn lá… và có cả ốc bươu vàng, chuột cắn phá. Tuy nhiên, chúng chưa gây hại nhiều.
Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Long An đã khẩn trương hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết, thủy văn, sâu, bệnh để nông dân chủ động ứng phó.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, để sản xuất thắng lợi vụ Hè Thu 2025, ngành nông nghiệp các địa phương và nông dân cần quan tâm bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, làm đất, sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí, như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Tiền Giang, nông dân vùng ngọt hóa Gò Công cũng bắt đầu xuống giống gieo sạ lúa và trồng rau màu vụ Hè Thu 2025. Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang vận hành nguồn nước từ các cống vào nội đồng để tháo rửa luân phiên theo khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân xuống giống Hè Thu đúng lịch.
Ngay từ đầu vụ, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tập huấn hướng dẫn và chuyển giao “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” cho nông dân áp dụng trong quá trình canh tác, nâng cao hiệu quả trồng lúa.
Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang và các địa phương xây dựng mô hình “Quản lý sức khỏe cây trồng trên cây lúa”, hoặc mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”… các mô hình này khi áp dụng sẽ mang lại hiệu quả vượt trội so với canh tác lúa truyền thống trước đây.
Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân chủ động thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu trên đồng để chủ động trong công tác phòng trừ rầy nâu trên lúa, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ để quản lý tốt các đối tượng gây hại như cỏ dại, bọ trĩ, tổ chức diệt chuột, diệt ốc bưu vàng…