Nhiều cách làm, mô hình hay
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh Bình Định có 9.888 căn nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây dựng mới (trên 7.000 hộ xây dựng mới; 2.840 hộ sửa chữa), kinh phí thực hiện trên 537 tỷ đồng (ngân sách tỉnh bỏ ra trên 321 tỷ đồng).

Sau khi Thủ tướng phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tỉnh Bình Định đã hưởng ứng, triển khai phong trào hoàn thành vượt tiến độ đến 7 tháng. Đợt này, toàn tỉnh đã xóa 4.411 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 2.531 căn xây mới, 1.880 căn sửa chữa.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, quá trình triển khai, nhiều địa phương, đơn vị có những cách làm, mô hình hay, sáng tạo. Một số huyện miền núi đã kế thừa, vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng mô hình nhà mẫu, phù hợp với văn hóa, phong tục của dân tộc mình.
Tại huyện Tuy Phước đã hỗ trợ thêm cho 1 số hộ không có khả năng lao động với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ xây mới và 15 triệu đồng cho hộ sửa chữa; huyện Tây Sơn vận động nguồn xã hội hóa lên đến gần 50 tỷ đồng để xóa thêm nhiều căn nhà tạm, nhà dột nát…

Bà Lê Bình Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định chia sẻ, quá trình triển khai, toàn tỉnh đã khơi dậy được tinh thần thi đua “ai có gì góp nấy”, “ai có công góp công, có của góp của”, “có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”.
Qua đó, MTTQ tỉnh đã vận động hơn 40 tỷ đồng và hơn 23.000 ngày công cùng các vật tư, vật liệu, quà tặng cho 3.291 hộ; hỗ trợ vay vốn gần 50 tỷ đồng cho các hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định thông tin.
Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh triển khai lực lượng đến tận các cơ sở để kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện để đảm bảo các công trình đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả và các ý nghĩa về mặt cư trú, phong tục…

Nhớ về những ngày dốc sức, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, Đại tá Đỗ Xuân Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định kể lại hành trình đơn vị đã ra quân ở dốc “cổng trời” Canh Liên.
Giữa điều kiện địa bàn rộng, giao thông đi lại trắc trở, nhiều hộ dân nằm sâu trong các vùng đồi núi, mưa gió khắc nghiệt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vẫn bám chốt hoàn thành 156 căn nhà tạm, nhà dột nát cho bà con Ba Na.
Gác lại mọi nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ khi ấy đều là những người thợ xây, phụ hồ giám sát kỹ lưỡng, cẩn trọng trong từng hành động, việc làm cụ thể. Nhờ vậy, đơn vị đã tổ chức hơn 250 lượt xe vận tải, vận chuyển hơn 1.000 tấn vật liệu xây dựng, vượt 20.000km đường đèo suối, đồi núi để bảo đảm vật liệu cho các hộ dân sửa chữa, xây dựng lại nhà mới...”
- Đại tá Đỗ Xuân Hùng chia sẻ.

"4 cái thật" của tỉnh Bình Định
Vừa qua, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Dân Tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đã biểu dương, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của tỉnh Bình Định. Chỉ trong 8 tháng triển khai thủ tục, 3 tháng bắt tay làm, Bình Định đã hoàn thành 4.411 căn nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có trên 2.000 căn cho gia đình chính sách.
Theo Bộ trưởng, Bình Định đã làm nên 4 việc thật, gồm: Nói thật (tình hình, số lượng, nhu cầu), làm thật, hiệu quả thật và người được hỗ trợ thật.

Với 4.411 căn mà Bình Định hoàn thành trong 136 ngày, bình quân các đồng chí hoàn thành 32 căn/ngày. So với cả nước, nhiều tỉnh làm khá mà chúng tôi đốc thúc thì chỉ 26 căn/ngày. Tỉnh Bình Định hoàn thành với tỷ lệ rất cao
- Bộ trưởng Bộ Dân Tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ngoài quy định hỗ trợ chung từ Trung ương 30 triệu đồng cho hộ sửa chữa; 60 triệu đồng cho hộ xây dựng mới, tỉnh Bình Định còn vận động từ nhiều nguồn lực để đem đến sự hỗ trợ tốt hơn, với con số ấn tượng là 40/80 - 40 triệu đồng sửa chữa; 80 triệu đồng xây dựng mới…
Chưa dừng lại, giữa lúc nhiều thủ tục từ Trung ương còn vướng, chưa kịp giải ngân khoản hỗ trợ, song Bình Định đã phát huy tinh thần “3 dám”: Dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm - khi ứng toàn bộ ngân sách ra và vận động nguồn xã hội hóa để xóa trên 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát.

Một tinh thần chủ động, khơi dậy niềm tin vững chắc trong nhân dân với Đảng… Đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và món quà lớn nhất mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đem lại cho người nghèo, gia đình chính sách
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo gửi lời chúc mừng của Thủ tướng đến tỉnh Bình Định và người dân của tỉnh đã nhận được món quà Đảng, Nhà nước trao tặng. Thủ tướng hoan nghênh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cùng tập thể lãnh đạo tỉnh về cách làm quyết liệt, sáng tạo, đổi mới hiệu quả. Đồng thời đề nghị tỉnh cần tổng kết kinh nghiệm này để báo cáo tại hội nghị sơ kết và tổng kết toàn quốc về chương trình trong thời gian tới…

Nhân dịp tổng kết, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng gửi lời cảm ơn, biểu dương đến tất cả các cán bộ, lãnh đạo tỉnh, đặc biệt các bí thư, chủ tịch UBND các huyện, xã trên địa bàn.
Ngay từ đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu. Qua đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, yêu cầu tất cả hệ thống chính trị vào cuộc...
Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng chúng ta luôn tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định.

Tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết
Đánh giá cao phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đây là biểu hiện, tấm gương trong tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.

Bình Định là một trong những địa phương tiêu biểu của phong trào này. Từ năm 2020 đến nay, các đồng chí đã hoàn thành gần 10.000 căn hộ cho đồng bào nghèo, gia đình có công và thân nhân liệt sĩ.
Tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng thành tựu to lớn mà tỉnh Bình Định đã đạt được trong thời gian qua
- đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.