Có một thực tế, trước nay ít nhà đầu tư nào mua căn hộ mà xem xét hồ sơ pháp lý, việc xây dựng có đúng giấy phép hay không. Bởi họ không đủ trình độ chuyên môn và lại phải tin tưởng vào sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư xây dựng chung cư vi phạm quy mô lớn lại “qua mặt” được các cơ quan quản lý nhà nước để cuối cùng, người mua căn hộ phải gánh chịu vì không được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chủ quyền. Dưới đây là một trường hợp điển hình.
Chung cư Hồng Lĩnh - Lấp luôn ô thông tầng!
Một công trình được nhiều nhà đầu tư biết đến bởi quy mô và vị trí đắc địa của nó, nhưng nay đang là điểm vi phạm xây dựng nghiêm trọng. Đó là công trình chung cư lô số 1 và số 2 thuộc Cụm I – Khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh (gọi tắt Công ty Hồng Lĩnh). Và điều ngạc nhiên nhất, chung cư hoành tráng này vừa được Sở Xây dựng TPHCM kết luận xây dựng sai thiết kế được thẩm định. Khi đất đai “sốt nóng”, Công ty Hồng Lĩnh đã biến các công trình phụ khác thành căn hộ để bán.
Cụ thể, chủ đầu tư chuyển một số tầng được duyệt làm khu thương mại thành khu căn hộ, dẫn đến tăng gần gấp rưỡi số lượng căn hộ (tăng từ 121 căn thành 186 căn hộ). Lượng căn hộ tăng lên này không chỉ sai về công năng mà có khả năng sai về mật độ dân cư. Chưa hết, Công ty Hồng Lĩnh còn lấp luôn cả ô thông tầng tại tầng lửng thành 1 tầng, dẫn đến sai mật độ xây dựng với diện tích hơn 200m2 và còn tận dụng luôn cả sân thượng để xây căn hộ, thành ra tăng thêm một tầng nữa. Ngoài ra, chủ đầu tư còn chuyển nhà sinh hoạt cộng đồng từ “mặt tiền” tầng 1 lên tầng 3, dẫn đến sai công năng sử dụng.
Như vậy, trong quá trình triển khai thi công dự án, chủ đầu tư chưa tuân thủ về quy trình đầu tư xây dựng, tự ý thay đổi công năng, xây thêm diện tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Hơn nữa, công trình chưa được chứng nhận chất lượng nhưng chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng. Với những vi phạm như thế, quyền lợi của những cư dân sống trong đó được bảo vệ như thế nào khi mà chất lượng các công trình hiện giờ đang ở mức báo động? Rồi những khách hàng mua trúng những căn hộ xây dựng sai phép, sai công năng trong tòa nhà sẽ được xử lý ra sao. Bởi chắc chắn cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho những căn nhà xây dựng sai phép.
Vì sao nhiều cấp quản lý, lại càng vi phạm?
Vấn đề người dân bất bình nhất là vì sao người dân dù đổ bao cát xây nhà ở trong hẻm hóc vẫn bị thanh tra đô thị đến hỏi thăm “sức khỏe”, thì một công trình xây dựng hoành tráng giữa trung tâm như thế lại sai phạm nhiều tầng, sai công năng lại không bị xử lý kịp thời? Được biết, công trình này thuộc sự quản lý của Khu Nam. Thế nhưng, Khu Nam chỉ có chức năng cấp phép chứ không có chức năng xử lý vi phạm. Như vậy, việc xử lý vi phạm thuộc về chính quyền địa phương. Có nghĩa công trình trong Khu Nam chịu sự quản lý của cả Khu Nam lẫn chính quyền địa phương. Vấn đề là vì sao qua nhiều cấp quản lý như thế, “con voi” này có thể chui lọt qua “lỗ kim”, để rồi tồn tại đến bây giờ? Do đó cần phải xem lại việc phân công, phân cấp quản lý và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra vi phạm.
HÀN NI