Chủ động biện pháp ứng phó rào cản thương mại

Theo Bộ Công thương, 9 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. 
Trong đó, ngành có mức tăng cao nhất là chế biến, chế tạo (tăng 12,8%). Kế đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%. Riêng ngành khai khoáng giảm mạnh 8,1%.
Đặc biệt, trong quý 3-2017, với sự tham gia của Tập đoàn Samsung trong việc đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao đã giúp chỉ số ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng mạnh, lên 25,1% (tập trung ở sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu). Ngoài ra, sự góp mặt của Tập đoàn Formosa vừa tái hoạt động đã đẩy chỉ số ngành sản xuất kim loại tăng 21,4%...

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số tăng trưởng toàn ngành công nghiệp như trên là rất tích cực. Tuy nhiên, để có thể duy trì được đà tăng trưởng, Chính phủ cần tiếp tục kiên trì theo đuổi thực hiện các giải pháp nhằm giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 21%. Việc hỗ trợ vốn vay cần tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước. Theo đó, tại thị trường trong nước cần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu; góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Riêng với thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tăng cường xuất khẩu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất sang các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, chủ động xây dựng biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại, những thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam. Duy trì và tăng cường xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, đơn vị đang gấp rút làm việc với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, xóa bỏ những quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vốn gây nhiều nhũng nhiễu cho doanh nghiệp trong thời gian qua, từng bước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và thông thoáng để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. 

Tin cùng chuyên mục