Chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển

(Phát biểu của Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X do đồng chí Hứa Ngọc Thuận - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trình bày chiều 19-4-2006)
Chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển

(Phát biểu của Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X do đồng chí Hứa Ngọc Thuận - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trình bày chiều 19-4-2006)

Chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển ảnh 1

Công trình hầm Thủ Thiêm (TPHCM) đang được thi công. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Đoàn đại biểu Đảng bộ TPHCM bày tỏ sự nhất trí với nội dung các văn kiện trình Đại hội X của Đảng. Chúng tôi nhất trí cao với Báo cáo chính trị về mức độ đánh giá 5 năm qua, khái quát 20 năm đổi mới và rút ra những bài học lớn; về mục tiêu phát triển đất nước 5 năm tới và những chính sách, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững...

Chúng tôi cũng đồng tình với đánh giá trong Báo cáo chính trị và nhiều ý kiến về công tác xây dựng Đảng, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại v.v...

Từ thực tiễn TPHCM cùng với cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng 5 năm qua và 20 năm đổi mới, thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TPHCM cùng những cơ hội, thách thức và yêu cầu đặt ra trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, chúng tôi xin phát biểu một số ý kiến với nội dung trọng tâm là chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

1/ Để chủ động hội nhập giành thắng lợi, trước hết phải nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế:

Đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng ta là đúng đắn và đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình hội nhập của thành phố mấy năm qua và để chủ động hội nhập thực sự đi vào cuộc sống, chúng tôi thấy cần có nhận thức và những chính sách, giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần nhận thức hội nhập không phải là mục tiêu, mà coi đó như là phương tiện để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Phải chủ động về mọi mặt, quán triệt tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân về ý nghĩa của hội nhập kinh tế quốc tế và thấy trước quá trình hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội, vận hội mới, song cũng không ít thách thức, nghiệt ngã.

Phải chủ động tạo nguồn nhân lực có phẩm chất, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng; chủ động nắm lấy thời cơ và đương đầu với những thách thức; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập, nhằm vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế là chiến lược quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Do đó, trong chính sách hội nhập phải làm sao cho các doanh nghiệp trong nước mạnh lên, thực sự có năng lực, làm chủ quá trình hội nhập để cạnh tranh giành thắng lợi.

Cần có cơ chế chính sách rộng mở hơn nữa nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế làm chủ thị trường nội địa, nâng cao năng lực nội sinh, đặc biệt đối với những lĩnh vực dịch vụ mà lâu nay còn hạn chế đối với các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước.

Thứ ba, phải tập trung chuẩn bị, tạo nguồn nhân lực cho hội nhập, vì đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong quá trình hội nhập. Cho đến nay, công việc này thực hiện còn chậm và chưa đồng bộ. Sắp tới, cần vạch ra một chương trình tầm quốc gia, có mục tiêu và biện pháp thực hiện cụ thể, không chỉ đối với doanh nghiệp mà đối với cả hệ thống chính trị.

Đây là công việc không thể chậm trễ, mà phải có chính sách, giải pháp đột phá trong việc chủ động, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực bảo đảm yêu cầu cạnh tranh hội nhập. Chính sách này cần phải cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực đối với từng ngành, từng lĩnh vực, trên cơ sở xác định lộ trình, mục tiêu cụ thể cho 5 năm và từng năm để triển khai thực hiện.

2/ Để tăng tốc phát triển, cần xác định mục tiêu và những chính sách, giải pháp sau đây:

Thứ nhất,
cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 9%/năm trở lên để phấn đấu.

Báo cáo chính trị đã thể hiện tư tưởng đổi mới khá mạnh mẽ về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết tâm đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển. Theo tinh thần đó, chúng ta có thể huy động tối đa nguồn nội lực, khai thác tối ưu các cơ hội trong hội nhập kinh tế quốc tế để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng đã đề ra, cụ thể là từ 9% trở lên.

Mức tăng trưởng này có vẻ cao, nhưng do khởi điểm của nền kinh tế nước ta quá thấp, nguồn lực đất nước chưa được huy động tối đa và sử dụng hiệu quả, quản lý yếu kém, thất thoát lãng phí, nên số gia tăng tuyệt đối không đáng kể so với nền kinh tế toàn cầu. Nếu 5 năm tới, nền kinh tế nước ta mỗi năm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9% - 10%, thì số tăng tuyệt đối cũng chỉ từ 5 đến 7 tỷ USD/năm.

Theo dự báo, nếu nền kinh tế thế giới chỉ cần tăng trưởng bình quân 2%/năm (dự báo trên 3%/năm), thì mỗi năm số tuyệt đối tăng thêm hơn 760 tỷ USD. So sánh như vậy cho chúng ta thấy rằng, trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế quốc tế, nếu chúng ta mở rộng hội nhập với thị trường thế giới, thì mức tăng trưởng tuyệt đối của nền kinh tế nước ta còn quá nhỏ trong mối quan hệ với nền kinh tế toàn cầu, tức là dư địa cho sự phát triển của ta còn rất lớn.

Trong 5 năm tới, mặc dù nền kinh tế nước ta phải đối diện với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với quyết tâm cao và từ đó tính toán các nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ chính sách và cơ chế; huy động và phân bố hợp lý nguồn lực phát triển để đạt mục tiêu đề ra như một bài toán ngược.

Đối chiếu với TPHCM trong 5 năm tới, nếu GDP trên địa bàn thành phố tăng bình quân 12%/năm, thì số tăng tuyệt đối cũng chỉ khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Con số này sẽ không quá khó, nếu chúng ta có chính sách và giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu; thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào các ngành công nghệ cao, cơ sở hạ tầng... tạo sự phát triển đột phá trong các lĩnh vực dịch vụ cao cấp.

Về mặt nội lực, chúng ta có thế mạnh về ổn định chính trị, về sự năng động, nhạy bén của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, về nguồn lao động dồi dào, có kỹ năng và làm việc có năng suất...

Thứ hai, sử dụng có hiệu quả các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, như công cụ quản lý nhà nước chủ yếu, để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước ta chưa thực sự gắn liền với các yếu tố chất lượng, hiệu quả và bền vững, mà điểm nổi bật là sự tồn tại của một cơ cấu kinh tế có sức cạnh tranh còn thấp, rất bất lợi khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, theo một “luật chơi” rất khắc nghiệt. Nền kinh tế nước ta cơ bản vẫn phát triển theo chiều rộng, trong đó nổi lên là nền công nghiệp chế biến, gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, do đó, tỷ trọng giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất có xu hướng giảm.

Cơ cấu 3 khu vực I, II, III có chuyển biến tích cực, nhưng cơ cấu sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trong nội bộ của mỗi khu vực chuyển dịch không đáng kể. Trong những loại dịch vụ cao cấp như tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; viễn thông - tin học; khoa học - công nghệ - chuyển giao..., tuy có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình, nhưng chiếm tỷ trọng còn rất thấp trong cơ cấu khu vực dịch vụ.

Nguyên nhân của thực trạng đó là do khi đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch phát triển từng ngành kinh tế, chúng ta mới chỉ dừng lại ở nội dung làm gì (tức xác định sản phẩm hàng hóa, dịch vụ), chưa chỉ ra được điều quan trọng là phải làm cách nào và ai làm (tức là chưa có chính sách, biện pháp cụ thể kèm theo quy hoạch, kế hoạch để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cụ thể trong nội bộ từng ngành kinh tế).

Trong điều kiện vận hành của cơ chế kinh tế thị trường, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dù ở tầm quốc gia hay địa phương, thì trước hết và chủ yếu phải được tác động bởi các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách về tài chính, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học – công nghệ… nhằm dẫn dắt thị trường, khắc phục những khuyết tật của thị trường trong quá trình tác động đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Từng địa phương khó có thể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế, nếu thiếu các chính sách điều tiết vĩ mô ở tầm quốc gia có liên quan đến từng ngành, lĩnh vực kinh tế.

Thứ ba, cần mở sớm hơn và nhanh hơn thị trường dịch vụ cho mọi thành phần kinh tế trong nước nhằm “tạo bước phát triển mới, nhanh và toàn diện thị trường dịch vụ, nhất là những dịch vụ cao cấp, có hàm lượng trí tuệ cao, giá trị gia tăng lớn”.

Để khu vực dịch vụ có được tốc độ tăng trưởng mang tính đột phá, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, cần có cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh các ngành dịch vụ cao cấp phát triển, nâng tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp trong giá trị của cơ cấu dịch vụ, nhất là đối với các thành phố lớn, các trung tâm dịch vụ của các vùng kinh tế trọng điểm.

Báo cáo chính trị và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2006-2010 chưa đề cập đến chính sách và cơ chế cụ thể cho khu vực dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Thách thức lớn nhất của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập là cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó các loại dịch vụ tài chính – tín dụng – ngân hàng; viễn thông – truyền thông; mạng lưới tổ chức thương mại nội địa; vận tải hàng không, hàng hải… sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn kinh tế nước ngoài.

Nếu chúng ta thiếu chính sách và giải pháp có hiệu quả để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong nước đầu tư mạnh và hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực dịch vụ cao cấp, thì sẽ là nguy cơ lớn khi mở cửa, hội nhập, ngay trong những năm sắp tới.

Đề nghị quan tâm đặc biệt đến thị trường tài chính, bao gồm các loại dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm…, phát triển đồng bộ cả thị trường vốn lẫn thị trường tiền tệ. Chúng tôi rất tán thành như Báo cáo chính trị đã xác định: “từng bước phát triển vững chắc thị trường tài chính, hoàn thiện thị trường tiền tệ; lành mạnh hóa các hoạt động giao dịch vốn ngắn hạn và mua bán các giấy tờ có giá trên thị trường”.

Để cụ thể hơn ý tưởng trên, xin đề nghị 4 nhóm giải pháp sau: (1) nghiên cứu, ban hành và hoàn thiện các định chế tài chính-tín dụng phi ngân hàng với các công cụ như quỹ đầu tư, công ty đầu tư, công ty tài chính v.v…; (2) xây dựng các ngân hàng chuyên doanh đầu tư dưới hình thức công ty cổ phần, mà cổ đông nắm cổ phần chi phối có thể là ngân hàng thương mại quốc doanh.

Chức năng chính của loại ngân hàng đầu tư cổ phần này là tham gia vào thị trường vốn (trung – dài hạn), trong khi đó các ngân hàng thương mại chức năng chính là tham gia vào thị trường tiền tệ: (3) phải củng cố thật mạnh và có bước phát triển đột phá thị trường chứng khoán của nước ta bằng các chính sách khuyến khích tăng nhanh số lượng hàng hóa cho thị trường, thông qua việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đã được cổ phần hóa; (4) cần xây dựng các định chế để tạo sự liên thông giữa thị trường tài chính với thị trường bất động sản; chế định các công cụ tài chính đầu tư vào thị trường bất động sản; khắc phục tình trạng tự phát trong việc huy động vốn tín dụng ngắn hạn của các ngân hàng thương mại.

Chúng ta đang bước vào hội nhập toàn diện nền kinh tế toàn cầu với những cơ hội và thách thức to lớn. Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta chấp nhận cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Và, chính từ những thách thức đó, chúng ta sẽ trưởng thành và tìm được vận hội mới cho sự rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp và trước năm 2010 thoát ra khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển. Đảng ta tiếp tục gánh vác nhiệm vụ nặng nề này với quyết tâm cao, mà những quyết sách của Đại hội Đảng toàn quốc lần này có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước và dân tộc ta.

TPHCM vì cả nước, cùng cả nước, sẽ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính năng động sáng tạo của con người thành phố, tiếp tục đóng góp ngày càng tích cực hơn cho sự phát triển chung của đất nước, quyết tâm giành thắng lợi trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tăng tốc phát triển.

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII vừa qua đã tỏ rõ ý tưởng và quyết tâm đó. Những ý kiến đề xuất nêu trên của chúng tôi cũng đồng thời là những kiến nghị với Đại hội để thành phố có thể biến ý tưởng và quyết tâm đó thành hiện thực. Đảng bộ TPHCM nhận thức được trách nhiệm nặng nề và vinh quang đó trước toàn Đảng.

Chúng tôi đặt trọn niềm tin vào trí tuệ của Đại hội trong việc đề ra những quyết sách lớn bảo đảm giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trong cạnh tranh hội nhập; tiếp tục minh chứng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
 

Tin cùng chuyên mục