Chú Hai Chí - nhà lãnh đạo luôn lắng nghe bằng trí tuệ và tấm lòng

Chú Hai Chí - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí (1927-2011) - là hình ảnh của một nhà lãnh đạo bình dị, chân phương, hết lòng vì công việc và gần gũi với mọi người.

Chú Hai là một nhà lãnh đạo thuộc thế hệ của phong trào Thanh niên Tiền phong, thế hệ tham gia và làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chú Hai có hơn 10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Long An và Khu ủy khu 8 trong thời kỳ trước và sau Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Chú Hai gắn bó với thành phố này từ Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn và sau này có 10 năm làm Bí thư Thành ủy TPHCM (1986-1996) - 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí (thứ hai từ trái qua) và các đồng chí lãnh đạo TP cùng các bạn trẻ tại buổi mít tinh, năm 2007. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí (thứ hai từ trái qua) và các đồng chí lãnh đạo TP cùng các bạn trẻ tại buổi mít tinh, năm 2007. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khi đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, chú từng tự nhìn nhận: Đây là một điều quá sức. Nói thì nói vậy nhưng chú luôn nỗ lực hết mình, tận tụy với việc với người. Và ngay từ đầu, chú đã có suy nghĩ và phát biểu với tập thể các đồng chí trong Thành ủy TPHCM là làm thế nào “nối dài” đầu óc của mình với cả tập thể và nhân dân. Nói là làm, suốt những năm tháng làm việc, chú luôn trăn trở và tìm cách kết nối, đặt hàng những con người tâm huyết, những trí thức yêu nước chung tay chung sức xây dựng thành phố.

Chú Hai không hề che giấu trình độ học vấn của mình. Chú học qua Sơ học yếu lược Pháp, sau này có học tập trung ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và học lý luận ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô, nhưng chú luôn tự học hỏi thêm bằng nhiều nguồn và qua thực tiễn công việc cũng như qua tiếp xúc. Nhiều người xem chú Hai là một nhà trí thức có hiểu biết sâu sắc về con người, về thực tiễn cuộc sống lớn lao của TPHCM, đất nước và thời đại.

Thời gian giữ cương vị Bí thư Thành ủy, chú luôn chú ý vận dụng các hình thức kinh tế quá độ của Lênin (áp dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước), nghiên cứu vận dụng các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của thành phố một cách năng động, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực và thẳng thắn đóng góp ý kiến với Trung ương, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, của thành phố. Trong thực tế, chú Hai đã cùng Đảng bộ và nhân dân thành phố khắc phục nhiều mặt mất cân đối lớn mà thành phố đối diện thời điểm đó, đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội… trên địa bàn đi dần vào ổn định và có sự tăng trưởng.

Chú Hai Chí là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, không chỉ nghe bằng các giác quan mà nghe bằng cả trí tuệ và tấm lòng mình. Chú Hai đã truyền được cảm hứng, niềm say mê và những nung nấu của mình để tập thể lãnh đạo thời điểm đó đoàn kết, gắn bó nhau, cùng nghĩ, cùng làm cho sự chuyển mình đi lên của thành phố. Chú ít nói nhưng cán bộ cấp dưới nhìn thấy ở chú một người lãnh đạo có tầm nhìn, luôn có đòi hỏi hướng về phía trước, luôn có sự đồng cảm, chia sẻ. Không ít cán bộ khi có khó khăn đã tìm tới chú và bao giờ cũng nhận được sự an ủi, động viên.

Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí (hàng giữa bên trái) làm việc với Ban lãnh đạo Báo SGGP (năm 1987)
Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí (hàng giữa bên trái) làm việc với Ban lãnh đạo Báo SGGP (năm 1987)

Thời chú Hai Chí làm người đứng đầu Đảng bộ thành phố, công tác xây dựng Đảng và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được xem trọng, nhìn chung có sự đánh giá vô tư và khách quan. Điều chú Hai luôn tâm đắc là người lãnh đạo nếu chỉ chuyển được mình thôi thì chưa đủ, vấn đề quyết định là phải tạo sự chuyển động cho được toàn Đảng, toàn dân. Và trong thực tế, chú Hai được xem là trung tâm đoàn kết trong Đảng bộ thành phố, có khả năng tập hợp các tầng lớp, các lực lượng (công, nông, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp, người Hoa…) vì sự nghiệp chung.

Sau khi rời vị trí lãnh đạo, nghỉ hưu, chú Hai thường góp ý cho thường trực Thành ủy và thường trực UBND TPHCM những vấn đề về quy hoạch đô thị, về cách thành phố vươn ra biển, về công tác quản lý nhà nước và xây dựng Đảng…

Cuộc đời và sự nghiệp của chú Hai Chí gắn với việc chung, nặng nợ với việc chung. Những gì mà chú Hai Chí để lại đáng để chúng ta trân trọng và nghiền ngẫm.

Dấu ấn mà đồng chí Võ Trần Chí in đậm có lẽ là Chương trình thành phố tiến ra Biển Đông, là Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, là con đường Bắc Nhà Bè, Nam Bình Chánh - đường Nguyễn Văn Linh, là cảng Hiệp Phước… Dấu ấn mà chú Hai tập trung chỉ đạo còn là Quỹ Xóa đói giảm nghèo, là những việc làm chăm lo đời sống người lao động, là những công trình quy tập hài cốt ở Nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi, là Công viên Lịch sử Văn hóa ở TP Thủ Đức…

Tin cùng chuyên mục