Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Luật sư không thể quên trách nhiệm công dân

Ngày 27-5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì hội nghị góp ý về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Đồng chủ tọa với Chủ tịch Quốc hội là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện cơ quan soạn thảo. 

Người bào chữa được miễn trừ trách nhiệm tố giác đến đâu?

Tuy đã phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 24-5, song ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục kiến nghị về vấn đề miễn trừ trách nhiệm tố giác thân chủ của luật sư. “Hài hòa trách nhiệm của người bào chữa và trách nhiệm công dân thì luật sư như thế nào. Nếu tố giác thì xã hội có tẩy chay nghề luật sư hay không. Chúng tôi khẳng định luôn, quy định như dự thảo thì niềm tin của khách hàng với người bào chữa nói riêng và niềm tin của xã hội với nghề luật sư nói chung sẽ mất dần và nghề có thể sẽ thui chột. Cho nên trừ những tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thân chủ chuẩn bị hoặc lên kế hoạch thực hiện thì phải báo ngay, còn tội phạm đã thực hiện thì nên miễn trừ cho luật sư và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra…”. Một số vị ĐBQH là luật sư như ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm tương tự như ĐB Đỗ Ngọc Thịnh.

Tranh luận với ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận, là công dân, ngoài đạo đức nghề nghiệp, luật sư còn phải thực hiện trách nhiệm của công dân nữa. Chủ tịch đề nghị Liên đoàn Luật sư quan tâm thêm đến những nội dung khác nữa trong 500 điều của Bộ luật Hình sự, đừng chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích của ngành mình…

Với kinh nghiệm 8 năm làm luật sư, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ quan điểm ủng hộ Điều 19 vì “Bố, mẹ, anh chị em có trách nhiệm tố giác tội phạm là người thân của mình trong một số trường hợp, thì luật sư cũng phải có trách nhiệm đó. Luật chỉ giới hạn phải tố giác ở tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng là phù hợp. Trách nhiệm của luật sư vừa là bảo vệ thân chủ vừa là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh so với Điều 22 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì luật sư đã được miễn trừ trách nhiệm thêm với các tội phạm nằm trong 70 khung hình phạt, trước là 179 khung hình phạt, đến Bộ luật Hình sự 2015 chỉ còn 109 khung hình phạt.

Kết thúc nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị “cơ quan soạn thảo, thẩm tra ngồi lại thảo luận thấu tình đạt lý với Liên đoàn Luật sư” để thiết kế, hoàn thiện điều luật.

Còn ý kiến khác nhau về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của vị thành niên

Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, nhưng vẫn như hôm trước, 2 luồng ý kiến vẫn khác nhau về cơ bản. Thống nhất với nhau về việc phải xử lý nhân đạo hơn với trẻ em, không thiên về hình phạt mà thiên về giáo dục, răn đe; nhưng các đại biểu lại có quan điểm rất khác nhau về thế nào là nhân đạo, thế nào là “tốt nhất cho trẻ em”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, luật pháp là để phòng tránh, ngăn ngừa tội phạm, để làm xã hội lành mạnh hơn và khi vi phạm xảy ra có cơ sở để xử lý. Có nhiều yếu tố cần cân nhắc toàn diện khi quy định vấn đề này, bên cạnh tâm lý lứa tuổi, môi trường xã hội... cũng cần tính đến hậu quả xã hội, hậu quả để lại cho người bị hại, tính cảnh báo răn đe và tính công bằng trước pháp luật… Qua đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thống nhất với đề xuất của Chính phủ phương án 2, tức là trẻ lứa tuổi này không phải chịu trách nhiệm về các tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục tranh luận do “nhiều đại biểu nói tán thành với tôi, nhưng lại kết luận ngược tôi”. Ông Nhưỡng phát biểu: “Tôi rất đồng tình là phải xem xét khía cạnh nhân đạo, nhưng khía cạnh nhân đạo trong mối quan hệ giữa kẻ phạm tội với nạn nhân và nhân đạo với chính kẻ phạm tội, ta xem xét khía cạnh nào trước? Như ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã nói, bảo đảm quyền lợi số đông chính là nhân đạo. Nếu đặt con em mình vào vị trí nạn nhân thì chúng ta bảo vệ ai? Nguyên lý pháp quyền là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền được bảo vệ, có tội phải xử lý. Về áp dụng hình phạt, tôi tán thành việc không áp dụng hình phạt nặng với vị thành niên, ưu tiên xử lý qua hòa giải, giáo dục, hạn chế bỏ tù.... Nhưng với việc trẻ hóa tội phạm - cả xã hội lên án mà luật pháp chúng ta lại bỏ qua thì không phúc đáp được yêu cầu xã hội”.

Phản hồi ý kiến của ĐB Nhưỡng, ĐB Nguyễn Thái Học nhận định, với tư cách người làm luật, không nên chỉ đặt mình vào vị trí thân nhân người bị hại, mà phải xem xét toàn diện. Việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi cần dựa trên thực tiễn tình hình phạm tội từ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của lứa tuổi này như thế nào”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lưu ý là từ trước đến nay trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi chưa bị xử lý hình sự với tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, nên đương nhiên không thể có con số thống kê… 

Tin cùng chuyên mục