Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TPHCM theo dõi chặt chẽ biến chủng mới Omicron

Dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và còn diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Omicron xuất hiện ở nhiều quốc gia trong những ngày qua, nên đòi hỏi TPHCM không được lơ là, chủ quan, cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, tập trung triển khai đồng bộ, hài hòa giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội.
Ngày 8-12, kỳ họp thứ tư HĐND TPHCM khóa X bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì phiên họp. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của HĐND TPHCM khóa X.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TPHCM theo dõi chặt chẽ biến chủng mới Omicron ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm cho năm 2022.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến đồng bào, cử tri TPHCM, nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã dành cho thành phố những tình cảm đặc biệt, sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả, nhất là đội ngũ y tế, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng thiện nguyện. Đây là nguồn động viên to lớn để chính quyền TPHCM vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu điều hành đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Phan Văn Mãi đã nêu ra một số kết quả nổi bật trong năm 2021. Trong thời gian đầu mở cửa trở lại, số ca mắc mới có xu hướng giảm nhanh và số ca tử vọng giảm mạnh. Đây là tính hiệu lạc quan sau những tháng ngày căng thẳng chống dịch và là điều kiện cần để thành phố triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù trong những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng tăng, nhưng tình hình này cơ bản phù hợp với việc mở lại các hoạt động kinh tế, sự di chuyển của dân cư giữa các địa phương. Thực tế, TPHCM vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh và giữ ổn định ở cấp độ 2 (mức nguy cơ trung bình).
Không được chủ quan, lơ là
Gần đây, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron đang có nguy cơ đe dọa các thành quả phòng, chống dịch của một số quốc gia. TPHCM đang theo dõi chặt chẽ, tăng cường giám sát dịch nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch, chủ động kiểm soát tình hình dịch; đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron.
Dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và còn diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Omicron xuất hiện ở nhiều quốc gia trong những ngày qua, nên đòi hỏi TPHCM không được lơ là, chủ quan, cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, tập trung triển khai đồng bộ, hài hòa giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội theo thinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.
Về kết quả thực hiện chủ đề năm 2021, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, khởi đầu kế hoạch 5 năm 2021-2025, TPHCM chọn năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” là quyết định đúng đắn, có ý nghĩa lâu dài, phù hợp với tính đặc thù của một đô thị loại đặc biệt và vị trí vai trò của thành phố. Do đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài, nhưng với những nỗ lực thực hiện theo sự phân công từ đầu năm nên đã đạt được những kết quả nhất định.
Về xây dựng chính quyền đô thị, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá, TPHCM đã hoàn thành việc sắp xếp các phường, thành lập TP Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thành công bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó thực hiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường theo quy định của Nghị quyết số 131của Quốc hội và Nghị định số 33 của Chính phủ; hoàn thành việc hướng dẫn các quận, phường về tổ chức chính quyền đô thị, đến nay từng bước đi vào nề nếp, hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Bên cạnh ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ đề năm 2021, TPHCM đã chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của thành phố. Đồng thời chủ động tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3 năm 2021 giảm mạnh, giảm 24,97% so với cùng kỳ.

Từ quý 4 năm 2021, TPHCM đã dần mở cửa nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước trở lại trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thành phố quý 4 năm 2021 vẫn chưa lấy lại đà phục hồi, một số hoạt động vẫn phải được cân nhắc, chưa thể mở cửa trở lại để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Tính chung cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế TPHCM giảm khoảng 6,78%. Đây là mức suy giảm tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố chưa từng xảy ra trong 35 năm qua.

TPHCM đã thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc cho từng đối tượng như: Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19; Tổ công tác theo dõi, chỉ đạo hoạt động các Tổng Công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM; Nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI…
Khắc phục những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những điểm sáng, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế đang đặt ra trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm đến 62% cơ cấu GRDP TPHCM nhưng phần lớn phải tạm ngưng hoạt động trong nhiều tháng, nên các doanh nghiệp, các hợp tác xã và hộ kinh doanh trong lĩnh vực này đang đứng trước những khó khăn rất lớn đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ kịp thời và đủ mạnh để phục hồi và phát triển.
"Để có thể vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021, đạt được mức tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế TPHCM trong 2 năm 2022-2023", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.

Đại dịch Covid-19 cũng đã bộc lộ ra những vấn đề đang tồn tại trong một siêu đô thị như TPHCM. Đó là sự bất cập về cơ cấu kinh tế - cơ cấu lao động - phân bố dân cư - nhà ở - việc làm - hệ thống đảm bảo an sinh - xã hội và môi trường sống.... Đây là những vấn đề đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp mang tính đột phá và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương mới có thể từng bước khắc phục được.
Vấn đề tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, sự bất cập trong các quy định để huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân; thúc đẩy sự hấp thụ nhanh và hiệu quả dòng vốn... vẫn đang là thách thức, cần có sự tháo gỡ chung của Trung ương (như Quốc hội bàn hành một luật sửa nhiều luật) và sự nỗ lực của cả bộ máy hành chính của TPHCM.
Về công tác phòng, chống dịch còn phải tiếp tục trong thời gian tới, TPHCM cần phải rút kinh nghiệm và phải khắc phục những bất cập như công tác chỉ đạo, điều hành về phòng chống dịch có lúc, có nơi còn lúng túng, không thống nhất, thiếu đồng bộ, không theo kịp chỉ đạo chung. Hệ thống y tế của thành phố thiếu đồng bộ, mỏng, yếu ở y tế cơ sở, y tế dự phòng, gây áp lực cho công tác điều trị ở các tầng trên.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, công tác truyền thông chưa chuyên nghiệp, thiếu nhất quán, đôi lúc gây hoang mang trong nhân dân. Công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thông tin dữ liệu, thiếu liên thông giữa các cơ quan, ảnh hưởng công tác truy vết và quản lý di biến động dân cư. Công tác an sinh xã hội tuy đã nỗ lực chăm lo đến người dân, nhất là các nhóm lao động yếu thế nhưng còn thiếu sót, việc hỗ trợ người dân còn mang tính dàn đều.
Ba vấn đề lớn TPHCM cần quan tâm
Thực tiễn cho thấy, tổng thể kinh tế TPHCM vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn TPHCM cần đặc biệt quan tâm: Vấn đề quản trị TPHCM trong tình hình mới; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; Từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, để xây dựng các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội và đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho năm 2022, TPHCM dựa trên một số quan điểm. Đồng thời để thực hiện thắng lợi chủ đề và các chỉ tiêu đề ra, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh TPHCM là một trong những địa phương của nước ta chịu tác hại nặng nề nhất do sự bùng phát của đại dịch covid-19 lần thứ 4 gây ra, với những hệ quả kinh tế - xã hội chưa có tiền lệ. Năm 2022, TPHCM đối diện với những khó khăn trên nhiều mặt nhưng với truyền thống năng động, sáng tạo vốn có của thành phố; với lực lượng doanh nghiệp chiếm gần 40% cả nước; với hạ tầng kinh tế sẵn có của một trung tâm kinh tế lớn...; nếu có được sự đồng thuận của nhân; sự nổ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, thì chắc chắn kinh tế TPHCM sẽ phục hồi và phát triển với một vị thế mới.

Nhiều điểm sáng tích cực

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, kinh tế - xã hội TPHCM năm 2021 có những điểm sáng tích cực. Trong đó, về lĩnh vực tài chính, tín dụng - ngân hàng - thị trường chứng khoán có tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm. Hoạt động tín dụng, ngân hàng duy trì và tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối về TPHCM ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Chỉ số VN INDEX vượt mốc 1500 điểm; nhiều phiên có giá trị giao dịch kỷ lục, khối lượng niêm yết tăng hơn 16%, giá trị chứng khoán niêm yết tăng trên 15% góp phần tăng thu ngân sách trong những tháng cuối năm.

Một số ngành lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá như ngành thông tin và truyền thông tăng 6,08%; ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 8,16%; hoạt động khoa học và công nghệ tăng 3,8%; giáo dục và đào tạo tăng 3,12%; ngành y tế và hoạt động cứu trợ xã hội tăng 28,68% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 24,9% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp hoàn tất giải thể giảm 41%, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 51% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, ước khoảng 11%-15%, đạt khoảng 5,8 - 6 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục