Theo Bộ Xây dựng, cuối tháng 3-2019, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã có báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030.
Theo đề xuất của VIUP, phương án thứ nhất là đưa 12 bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây, kinh phí gần 12.000 tỷ đồng. Phương án thứ 2 là di dời về khu Mễ Trì, kinh phí cần hơn 14.000 tỷ đồng. Phương án 3, phân chia các bộ, ngành về cả 2 khu vực này, kinh phí dự kiến là 17.000 tỷ đồng.
Hiện dư luận đang đặt ra vấn đề là, phương án tài chính huy động từ việc khai thác quỹ đất cũ của các trụ sở bộ, ngành tại nội đô có sự khác nhau giữa 3 phương án mà cao nhất cũng chỉ đến gần 7.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, việc thay đổi giá trị đất qua các phương án đề xuất là do liên quan đến quy mô đấu giá đất. Nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ là phương án chốt lại phải được các bộ, ngành đồng thuận, đảm bảo tính khả thi.
Một vấn đề khác được báo chí đặc biệt quan tâm là giữ hay bỏ quỹ bảo trì nhà ở chung cư sau khi hàng loạt vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình quản lý các tòa nhà chung cư. Hiện có 3 phương án được đề xuất, hoặc giữ nguyên quỹ bảo trì như hiện nay, hoặc bỏ quỹ và chỉ thu khi nào phát sinh nhu cầu bảo trì, hoặc không thu ngay lúc ký hợp đồng mà thu sau 5 năm khi công trình đã hết thời gian bảo hành.
Theo Bộ Xây dựng, việc bỏ hẳn quỹ bảo trì có thể khiến các tòa nhà chung cư không được bảo trì, sửa chữa kịp thời. Do đó, Bộ Xây dựng nghiêng về phương án giữ quỹ bảo trì nhưng cần có giải pháp chấn chỉnh quản lý quỹ, đảm bảo công khai, minh bạch. Bộ Xây dựng đang thận trọng xem xét và sẽ báo cáo giải trình cụ thể vấn đề này với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào cuối tháng 4-2019, quyết định cuối cùng về việc bỏ hay giữ quỹ bảo trì nhà chung cư là ở cơ quan ban hành luật.