(SGGP). - Trong tổng số hơn 1.300 bài báo phản ánh tình trạng khai thác, buôn bán, tàng trữ gỗ lậu và nạn phá rừng được thu thập từ năm 2011 đến nay, chỉ có 1% nêu ra được thực trạng, nguyên nhân và cả giải pháp. Đó là một trong những điểm nhấn được nêu ra tại Hội thảo “Thực trạng gỗ lậu tại Việt Nam qua góc nhìn báo chí” do Tổ chức Forest Trend và Pan Nature tổ chức ngày 16-12 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, mặc dù số lượng bài viết khá nhiều nhưng phần lớn nguồn thông tin chỉ thông qua các lực lượng chức năng như kiểm lâm hoặc các báo cáo của địa phương; từ các hội thảo, văn bản chính sách... mang tính cung cấp thông tin cho độc giả mà chưa có nhiều bài điều tra sâu. Do đó, cuộc chiến phòng chống gỗ lậu mà các cơ quan báo chí nêu ra còn nhiều lỗ hổng, chưa phản ánh được quy mô và bản chất thực sự của gỗ lậu do những nguyên nhân như hiểu biết về chính sách và quy định còn hạn chế, nguồn kinh phí eo hẹp. Để nâng cao hiệu quả cho các hoạt động ngăn chặn gỗ lậu, cần có cơ chế đặc thù về kinh phí cho báo chí, có thể được huy động từ nguồn kinh phí nhà nước dành cho bảo vệ môi trường hoặc từ tư nhân thông qua tài trợ của các công ty, tổ chức, cá nhân... nhằm giúp nhà báo có các bài viết chuyên sâu, thực tế để lấp lỗ hổng trong cuộc chiến phòng chống gỗ lậu hiện nay.
VĂN PHÚC