
Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông đều đưa tin Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang có ý định quản lý chặt hơn hoạt động xe ôm thông qua việc bắt buộc phải đăng ký kinh doanh. Dưới góc độ quản lý, ý tưởng này là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay và thực trạng quản lý nhà nước, tôi cho rằng chưa tới thời điểm để tiến hành việc này.

Xe ôm chở khách. ẢNH: Q.HUY
Dưới góc độ quản lý nhà nước, khối lượng công việc liên quan tới ngành GTVT và chính quyền các địa phương đều đang bị quá tải. Có rất nhiều lĩnh vực quan trọng hơn vẫn chưa giải quyết nổi. Ví dụ như việc buông lỏng quản lý dẫn tới tình trạng taxi lừa tràn lan gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Hay như tình trạng xe buýt chạy ẩu, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tình trạng hành lang an toàn bị lấn chiếm trên các tuyến quốc lộ… Đó đều là những vấn đề nhức nhối mà xã hội rất cần ngành GTVT ra tay, hành động nhanh và tốt hơn nhưng rất tiếc cả ngành GTVT lẫn chính quyền các địa phương đều làm chưa được. Nay, nếu Bộ GTVT quyết định “ôm” luôn cả việc quản lý xe ôm, e rằng hiệu quả quản lý sẽ không như mong muốn.
Dưới góc độ xã hội, cần lưu ý rằng phần lớn người chạy xe ôm là người nghèo, trình độ văn hóa hạn chế và không có việc làm khác. Theo nhận định của tôi, chỉ có khoảng 50% “cư dân” xe ôm là “chuyên nghiệp”, 50% còn lại là làm theo mùa vụ.Cũng có người tận dụng những ngày nghỉ lúc nông nhàn để chạy xe ôm… với mong muốn cải thiện thu nhập.
Bất kỳ quyết định quản lý nào siết quá chặt cũng đồng nghĩa với việc gây khó khăn cho nhóm cư dân khó khăn này. Chưa kể, ở góc độ thu thuế (thu nhập) thì có lẽ việc này cũng không khả thi bởi có rất ít người hành nghề xe ôm chuyên nghiệp có được mức thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng.
Với tất cả những lý do đó, theo tôi thời điểm này chưa phải lúc tiến hành quản lý xe ôm. Ngành GTVT cũng như các địa phương nên tập trung mọi nguồn lực của mình để quản lý tốt những vấn đề quan trọng hơn, ý nghĩa hơn (như hoạt động xe taxi, xe buýt, làm thông thoáng lòng lề đường…) trước khi nghĩ tới chiếc xe ôm của người nghèo.
SỸ CÔNG