Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT

Có 43 câu hỏi và 11 tranh luận lại, có 22 ĐB chất vấn nhưng chưa được trả lời. Ngoài ra, còn có 12 ĐB đưa biển lên muốn tranh luận.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Sáng 13-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đầu giờ sáng đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH ĐƯỢC NÊU RA TRONG PHẦN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT

* Chốt phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết: Có 43 câu hỏi và 11 tranh luận lại, có 22 ĐB chất vấn nhưng chưa được trả lời. Ngoài ra, còn có 12 ĐB đưa biển lên muốn tranh luận.

Dù đánh giá cao tính xông pha, quyết liệt trong trả lời chất vấn các câu hỏi của các ĐB nhưng Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần phải tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khắc phục quy hoạch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017-2020; tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ; tạo sự chuyển biến rõ nét gắn sản xuất với chế biến; cơ chế liên kết 4 nhà, đặc biệt thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành mở thị trường ngoài nước, giữ vững thị trường trong nước…

* Tích tụ nhưng không để dân mất việc

Xung quanh câu hỏi về việc tích tụ ruộng đất có bần cùng hóa nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chủ trương của việc này nhằm khuyến khích phát triển nền nông nghiệp tập trung và không để nông dân mất việc làm. Chủ trương đó cũng là biện pháp thúc đẩy lao động sang khu vực 2, 3 cho thu nhập cao hơn. “Kích thích sản xuất chứ không để nông dân mất việc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta giao đất nông nghiệp ổn định từ năm 1993 với đủ các quyền, trong đó có quyền chuyển nhượng của người dân. Quy định là để tích tụ. Hiện các tỉnh diễn ra việc chuyển nhượng với đối tượng nhận chủ yếu là người dân. Đối tượng doanh nghiệp cũng được quy định nhận chuyển nhượng nhưng thực tế doanh nghiệp khó làm vì trên diện tích nhiều dân muốn chuyển đổi nhưng nhiều người khác lại không có nhu cầu. Thực tế, xu hướng là doanh nghiệp cũng không muốn tích tụ nhiều đất vì còn phụ thuộc vào khoa học công nghệ… và họ muốn tập trung vào chế biến, lưu thông. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất chưa có hướng dẫn, chế tài chưa rõ nên nhiều địa phương loay hoay không biết làm có đúng không. Do đó, đây là việc phải tập trung để hướng dẫn rõ hơn. 

* Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM): Hiện sản xuất chưa gắn với tiêu thụ. Người nông dân có cuộc sống bấp bênh. Đồng chí có biết người nông dân nghĩ gì về trách nhiệm và mong muốn gì ở đồng chí?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Người nông dân trông chờ không chỉ Bộ trưởng mà cả hệ thống chính trị cần làm tốt hơn nữa. Đặc biệt vai trò trưởng ngành nhưng một ông trưởng ngành không làm được. Bộ trưởng hứa sẽ quyết tâm cao nhất, chỉ đạo hệ thống, tăng liên kết và làm hết sức mình thì sẽ sớm giải quyết vấn đề này.

Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm
Không đồng tình với câu trả lời, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: Chia sẻ của Bộ trưởng đúng là như vậy nhưng khi chất vấn là trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng chứ không phải đưa cả hệ thống chính trị về đây. Nhiều bà con nông dân có nói là ứng xử vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta lúng túng, dễ ta làm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng, các bộ trưởng khác chưa có giải pháp đột phá. Vấn đề khó nhất là tổ chức sản xuất nhưng tổ chức thế nào?
Chia sẻ của Bộ trưởng đúng là như vậy nhưng khi chất vấn là trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng chứ không phải đưa cả hệ thống chính trị về đây. 

“Tôi có xem trả lời phỏng vấn của một thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nói nông sản thừa là người nông dân trồng chạy theo phong trào, tại nông dân. Câu trả lời đó là thiếu trách nhiệm”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Hoàn thiện thể chế chính sách đồng bộ tạo động lực cho phát triển

Trả lời trên góc độ phụ trách lĩnh vực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, tiêu thụ nông sản là vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp. Tình trạng được mùa mất giá xảy ra, gây khó khăn lớn cho người sản xuất, đặc biệt là bà con nông dân.
Chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng dư thừa, khó tiêu thụ sản hàng hóa vừa qua, Phó Thủ tướng cho rằng, đó là do chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế mà chưa có giải pháp hữu hiệu và gần đây nhất là thịt heo dư thừa.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là chất lượng quy hoạch còn hạn chế, thiếu chính xác khiến sản xuất vượt nhu cầu, vượt quy hoạch... Trong khi việc điều chỉnh quy hoạch còn chậm. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: tổ chức sản xuất còn bất cập; chưa có thương hiệu nông sản…
Theo Phó Thủ tướng, Giải pháp tổng thể cho vấn đề này là sẽ hoàn thiện thể chế chính sách đồng bộ tạo động lực cho phát triển, trong đó tạo điều cho nông dân tiếp cận nguồn lực bình đẳng, minh bạch về vốn, khoa học công nghệ. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cùng với đó là tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng việc sửa đổi pháp luật liên quan đến đất đai để giải quyết vấn đề hạn điền; điều chỉnh quy hoạch sản phẩm, gắn quy hoạch với nhu cầu thị trường, coi trọng thị trường trong nước nhưng lấy khu vực và quốc tế để cạnh tranh; mở rộng, đẩy mạnh liên kết 4 nhà và ngân hàng, trong đó, chủ hợp tác xã, chủ trang trại là trung tâm sản xuất còn người nông dân đóng vai trò sản xuất và là người góp vốn…
Nhận xét của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: 
Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ảnh 2 ĐB Nguyễn Ngọc Phương 
Những câu hỏi của ĐBQH đặt ra với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là rất tâm huyết, tuy là những câu hỏi khó nhưng đòi hỏi ngành nông nghiệp phải suy nghĩ, phải có những giải pháp mang tính đột phá mới giải quyết được tình hình khó khăn hiện nay. Cần tránh lặp lại tình trạng trả lời rất nhiều lần nhưng vẫn diễn đi diễn lại tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Những câu hỏi mà ĐBQH nêu ra chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là những vấn đề nóng, được cử tri rất quan tâm. Tuy là những câu hỏi chưa có gì mới, đều là những vấn đề đã nhiều lần chất vấn lĩnh vực NN-PTNT nhưng phần trả lời của Bộ trưởng vẫn mang tính giải thích là chính, những giải pháp đưa ra mang tính đột phá, tổng thể, chiến lược, lâu dài vẫn chưa rõ. Những giải pháp mà Bộ trưởng nói đã từng được đưa ra rồi và thực tế tiêu thụ khó khăn của nông sản thì vẫn cứ lặp đi lặp lại.

Cá nhân tôi chia sẻ với bộ trưởng Bộ NN-PTNT vì nông nghiệp là lĩnh vực đa ngành đa nghề, nó cũng có vấn đề là nếu thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các ngành khác thì rất khó để chuyển biến.  Nhưng  vì thế, ĐBQH và cử tri mới cần Bộ trưởng phải đưa ra được những giải pháp đưa ra mang tính đột phá, tổng thể, chiến lược, lâu dài của nhà nước.

Cùng với đó, về phía người nông dân cũng phải có ý thức trong việc sản xuất của mình. Các địa phương cũng phải có chỉ đạo, hướng dẫn người dân sản xuất trên địa bàn mình, không chạy theo lợi nhuận trước mắt thì sản xuất hàng hóa làm ra mới bảo đảm tiêu thụ được.
PHAN THẢO ghi

* Đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Tình trạng nông sản hàng hóa được mùa mất giá, được giá khan hiếm hàng hóa, hết trồng lại chặt vẫn diễn ra. Người nông dân làm mà không biết giá cả ra sao? Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có chương trình làm ăn cụ thể làm ăn với bạn. Với tư cách là "tư lệnh ngành", Bộ trưởng có giải pháp gì để phát triển thị trường nước ngoài, ngoài nước láng giền để không còn âu lo về thị trường?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trách nhiệm phát triển thị trường không chỉ có Bộ Công thương mà còn cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong các chuyến đi nước ngoài vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chúng tôi làm việc với các đại sứ quán ở nước ngoài để phát triển thị trường và bộ cũng đã tổ chức làm việc với đại sứ trước khi công tác để đặt hàng. Tới đây, bộ sẽ cùng các bộ, thành phần kinh tế khác để phối hợp chặt chẽ trong việc phát triển thị trường.

* Tiềm năng tôm lớn

Liên quan đến phát triển ngành tôm, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: Chính phủ đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 10 tỷ USD, chiếm 10% GDP. Vậy, bộ đã có những giải pháp gì để đạt mục tiêu đó. Thuận lợi, khó khăn là gì?

Trả lời vấn đề này Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, muốn phát triển ngành, lĩnh vực nào thì đầu tiên phải xác định thị trường, nhu cầu tiêu thụ. Với con tôm, dư địa phát triển là rất lớn khi 7 tỷ dân trên thế giới không nước nào không dùng tôm và trong 5 triệu tấn tiêu thụ thì mỗi năm nhu cầu tiêu thụ tăng 10%-15%. Vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế và hiện chúng ta đang nuôi trên diện tích 660.000 ha, xuất khẩu 650.000 tấn với giá trị 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là phải phải huy động lực lượng doanh nghiệp, nông dân liên kết chặt chẽ theo vùng, quản trị từ giống, thức ăn, chế biến, xuất khẩu… Bộ đã giao nhiệm vụ cho các viện thuỷ sản nghiên cứu, giải quyết cho được tình trạng con giống tôm, trước mắt là 2 loại giống tôm sú, tôm thẻ… phục vụ cho nhu cầu phát triển chăn nuôi. Đồng thời, bộ đang kết hợp với doanh nghiệp, địa phương phát triển theo hướng sinh thái chứ không phải thâm canh.

Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ảnh 3 Tiềm năng tôm lớn

* Sửa luật để giữ chân, thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề: Nỗi lo được mùa mất giá là nỗi lo thường trực của nông dân. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo liên kết doanh nghiệp, nông dân. Vừa qua, vai trò liên kết chưa tốt nên doanh nghiệp bỏ chạy, nông dân kêu cứu. Vậy, bộ làm gì giữ chân liên kết?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm vừa qua có tín hiệu vui khi số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tăng, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp. Nguyên nhân chính là do chính sách chưa đủ hấp dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan sửa Nghị định 210 (về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn) và sẽ cố gắng trình Chính phủ trong tháng 9 này. Tinh thần là những gì tháo gỡ thì tháo gỡ thực sự. Bên cạnh đó là các vướng mắc về đất đai. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã tổng hợp 6 nhóm vấn đề và đang có cơ sở để kiến nghị chỉnh sửa luật để tạo điều kiện hấp dẫn doanh nghiệp liên kết với dân.

* Hạn chế khâu chế biến, phát triển thị trường khiến thịt heo dư thừa

* Đặt câu hỏi cho nội dung này, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn: Dựa vào đâu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quy hoạch heo đạt 32 triệu con vào năm 2015 và 34 triệu con vào năm 2020 khi mà số liệu thực tế năm 2015 là 27 triệu con; 12-2016 là 29 triệu con. Con số này thấp hơn nhiều quy hoạch mà thị trường đã dư thừa, giá giảm, phải giải cứu? 
- Chia sẻ về thực tế dư thừa heo vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho biết, có 2 nguyên nhân chính. 
Nguyên nhân thứ nhất là sức sản xuất những năm qua tăng trưởng quá nhanh khi hơn 10 năm qua riêng thịt nói chung tăng trên 3,6 lần từ lên 5,6 triệu tấn. Thịt heo tăng trưởng nhanh: 10 năm trước thấp nhất ASEAN nay đã tăng lên 23 triệu tấn; heo nái tăng từ 2,3 triệu con lên 4,2 triệu con… Sức tăng trưởng sản xuất quá nhu cầu. 
Nguyên thứ hai là rổ thực phẩm Việt Nam. Trước kia, trong bữa cỗ có 70-75% thịt heo nay là thịt gà, bò nên làm dư thừa tạm thời, sức cung lớn hơn cầu. Bên cạnh đó là việc tổ chức ngành hàng chưa tốt: chăn nuôi 3 triệu hộ nhưng chỉ có hơn 400 trang trại. Đây chính là tồn tại của việc sản xuất quy mô nhỏ và nguyên nhân khiến sản xuất giá thành cao khó kiểm soát. Chế biến cách lìa sản xuất: khâu liên kết sản xuất thịt lợn chỉ chiếm 20% ở khâu nuôi; khâu chế biến kém nhất trong các ngành hàng. “Chế biến sâu từ giống, chăn nuôi, giết mổ, phân phối đếm trên đầu ngón tay và 90% là truyền thống bán ở phản thịt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
“Chế biến sâu từ giống, chăn nuôi, giết mổ, phân phối đếm trên đầu ngón tay và 90% là truyền thống bán ở phản thịt”.
Cũng theo Bộ trưởng, khâu tổ chức thị trường mà thực phẩm Việt Nam yếu nhất, chủ yếu ngoại thương qua Trung Quốc. Trong 3 khâu: sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường chúng ta mới làm được khâu đầu còn 2 khâu sau yếu. “Hệ lụy, tháng 4 vừa qua giới hạn cuối cùng của khủng hoảng thừa, mùa nóng tiêu thụ giảm, thế giới không bán được nên đã dẫn đến tình trạng đó”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, quy hoạch vừa qua được xây dựng trên nhu cầu tăng trưởng của thực phẩm nhưng chưa tính đến tương quan cơ cấu thực phẩm. Chúng ta hội nhập có nhiều thực phẩm bên ngoài khác được nhập khẩu vào và chưa được tính kỹ.
Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ảnh 4 Ngành chăn nuôi heo đang gặp nhiều khó khăn
Chia lửa về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho biết, ông đồng tình với nhiều ĐB là khâu quan trọng nhất sản xuất nông nghiệp phải căn cứ vào nhu cầu, tín hiệu thị trường để xây dựng quy hoạch cho tốt. Thực trạng giải cứu heo vừa qua cho thấy công tác thị trường còn nhiều tồn tại chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Chúng ta đã mở cửa thị trường nhưng lại chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật mà họ yêu cầu. Ví dụ như muốn xuất khẩu heo vào Trung Quốc thì vùng đó phải được xác nhận là không phải vùng heo bị long móng nên cần có thời gian.
Chúng ta đã mở cửa thị trường nhưng lại chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật mà họ yêu cầu.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chức năng quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch phải tính toán lại và cần sự phối hợp của 2 bộ trong tập hợp dữ liệu cũng như phối hợp với địa phương. Việc tổ chức sản xuất phải đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh vì không phải mọi mặt hàng Việt Nam đều có ưu thế. Chúng ta có hơn 10,6 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ khiến cho thịt heo thậm chí cao hơn nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Vai trò quản lý nhà nước phải định hướng qua quy hoạch, vượt qua rào cản thương mại mới phát triển bền vững.

* 8 giờ 25: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề

Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Đầu giờ sáng đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh); Trần Thị Hiền (Hà Nam); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng);... chất vấn về: Giải quyết bất cập để DN, HTX tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ; giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này; vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu (tạm nhập tái xuất); giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp...

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ.

8 giải pháp đột phá cơ cấu lại nông nghiệp
Theo báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ NNPTNT xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện chủ trương này.

Thứ hai, tập trung nghiên cứuhoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 26/NQ-TW củaTrung ương 7, Khóa X và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

Tiếp tục rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực và lợi thế của từng địa phương, tính đến nhu cầu thị trường (trong nước và thế giới) và ứng phó với BĐKH; cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm: (1) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; (2) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chiến lược và giải pháp để mở rộng quy mô, sức cạnh tranh, từng bước bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; (3) Nhóm sản phẩm vùng/miền là đặc sản của các địa phương, có chỉ dẫn địa lý cụ thể, nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu,chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến, phân phối với cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm địa phương; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của ngành.

Thứ sáu, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường

Bộ sẽ thành lập cơ quan quản lý tập trung, thúc đẩy chuỗi chế biến nông sản gắn với mở rộng thị trường; kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức của nông dân để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường truyền thống và nhóm thị trường mới; tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; nghiên cứu đánh giá các tác động của hội nhập quốc tế đem lại; tăng cường năng lực dự báo và thông tin thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.

Phát triển mạnh thị trường trong nước, điều hành cân đối cung cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhạy cảm; phát triển hệ thống bán lẻ, xây dựng hình ảnh nông sản chất lượng cao, an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; đẩy nhanh hoàn thành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. 

Thứ bảy, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạtầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;cơ bản nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, bao gồm cả các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH và rút dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chínhcải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ NNPTNT, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là phải (1) hoàn thiện cơ chế chính sách, (2) tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN và (3) đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (đổi mới mô hình tăng trưởng) để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.

* 8 giờ ngày 13-6: Phiên chất vấn bắt đầu

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với các phiên chất vấn trước đây, Quốc hội dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH. 
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến hết ngày 12-6 đã có 86 phiếu chất vấn và 98 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến, UBTVQH đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn ĐBQH. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3. Đây là cơ sở quan trọng để UBTVQH chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn trình Quốc hội quyết định.
Để hoạt động chất vấn đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn,Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ĐBQH nêu câu hỏi ngắn gọn rõ ý, nằm trong nhóm vấn đề đã chọn, không đặt câu hỏi kiểu tìm hiểu thông tin hay nắm tình hình. Thời gian đặt câu hỏi không quá 2 phút một lần. Phiên chất vấn tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, ĐBQH cần chuẩn bị nội dung tranh luận cụ thể, rõ ý. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời thẳng, không né tránh, hướng khắc phục và giải pháp để Quốc hội có cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa.
8 giờ 5: Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được trong công tác trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Theo đó, hơn 3.000 kiến nghị đã được trả lời. Hàng nghìn cuộc thanh tra đã được triển khai để kịp thời xử lý những kiến nghị của cử tri...
Báo cáo cũng nêu một số tồn tại trong trả lời kiến nghị cử tri của các bộ ngành về: Tổ chức chính quyền cơ sở; xây nhà vượt lũ; cấp giấy phép lái xe... một số bộ ngành vẫn còn tồn đọng các kiến nghị của cử tri.
Báo cáo kiến nghị, Quốc hội cần có giải pháp giám sát thường xuyên hơn đối với công tác xây dựng, thực thi pháp luật. Xem xét trách nhiệm của các cá nhân thực thi Nghị quyết giám sát. Tăng cường tiếp xúc cử tri theo nhiều hình thức để khắc phục tình trạng "cử tri chuyên nghiệp, đại cử tri";...
Báo cáo, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục nâng cao chất lượng trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri. Sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều bộ ngành... Đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng tiến hành giải quyết dứt điểm 59 kiến nghị còn tồn đọng (về khai thác cát trái phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án thua lỗ; nâng cao chất lượng tiếp công dân; khắc phục bất cập trong xây nhà vượt lũ...).
Từ 8 giờ hôm nay 13-6 Quốc hội bắt đầu 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 bộ trưởng, theo thứ tự: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ trả lời chất vấn.

Tin cùng chuyên mục