Thế nhưng, với hầu hết người dân, thủ tục làm giấy tờ nhà, đất vẫn như… ma trận. Từ kinh nghiệm thực tế của mình, nhiều người dân cho rằng, dường như những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này vẫn chưa được ngành chức năng tháo đúng nút thắt.
Đơn cử như việc xây dựng nhà ở trong khu vực nông thôn. Như đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, khi xây dựng nhà ở ngoài khu vực bảo tồn, trung tâm văn hóa, di tích, người dân được chủ động làm và chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn người dân xây dựng, đảm bảo trật tự xây dựng.
Thế nhưng, có bao nhiêu địa phương công khai được quy định này cho dân biết? Người viết đã chứng kiến không ít người dân nông thôn loay xoay chẳng biết làm sao để xây được nhà cho đúng quy định. Làm đơn xin phép xây dựng ở tỉnh, thành phố (nơi xã ấy thuộc về), cơ quan cấp phép tại đây không trả lời, không hướng dẫn…
Chạy đôn chạy đáo hỏi mãi mới biết, nơi cư ngụ của mình không phải xin giấy phép xây dựng. Song, không xin giấy phép xây dựng thì xây nhà xong, căn cứ nào để cập nhật tài sản vào đất? Chẳng cơ quan nào hướng dẫn, dù rằng chính quyền xã đã tiến hành thu thuế xây dựng nhà của người dân.
Hay như việc công khai quy hoạch. Quy hoạch nào là quy hoạch phân khu, là quy hoạch chi tiết mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm (người dân vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền về đất đai của mình), hầu như chẳng có cơ quan nào nói rõ ràng cho dân biết. Rồi những việc rất cụ thể như một bộ hồ sơ nhà đất cần những giấy tờ gì, bao nhiêu bản…, cũng chẳng được mấy cơ quan nói rõ cho dân hiểu.
Tình trạng người dân mất hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trời, để hoàn thiện hồ sơ, hiện khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Chưa kể, liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, có tới mấy luật chi phối: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị…. Người dân đến sở TN-MT, phòng TN-MT các quận huyện thì được các cán bộ ở đây trích dẫn Luật Đất đai để xử lý; đến sở xây dựng, phòng quản lý đô thị thì được trích Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… để giải quyết vấn đề. Mỗi cơ quan một góc nhìn, người dân không rối mới lạ.
Đáng nói, khi báo cáo thành tích cải cách thủ tục hành chính, nhiều cơ quan “rất khéo” khi nói rằng “đã giảm được 30% - 50% thời gian làm thủ tục, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ của người dân”. Có nghĩa họ rất biết… né, bởi công đoạn mà người dân bị “hành” chính là khâu hoàn thiện hồ sơ. Một khi hồ sơ đã hoàn thiện theo đúng yêu cầu của ngành chức năng thì việc giải quyết nhanh hoàn toàn không khó với các cơ quan này.
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, các thủ tục hành chính và việc thực thi chính sách về đất đai, xây dựng ở nhiều địa phương là một trong những lĩnh vực gây nhiều bức xúc nhất cho người dân.
Do vậy, để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, các bộ ngành liên quan nên “ngồi” lại với nhau, thống nhất quy trình thủ tục và xử lý các vấn đề. Sau đó công khai rõ cho tất cả người dân. Có như vậy, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng mới đem lại kết quả như người dân kỳ vọng.