Chuẩn bị Asiad 18- Khẩn trương nhưng không khoa trương

Việc nước ta lần đầu tiên đăng cai Đại hội thể thao châu Á vào năm 2019 (Asiad 18) khiến nảy sinh 2 tâm trạng trái chiều nhau trong nhân dân. Những người lạc quan thì phấn khởi cho rằng “muốn làm nước chủ nhà Asiad đâu phải dễ”; đây là cơ hội tốt để tăng cường quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra toàn châu lục và thế giới. Cũng có không ít người nghĩ ngược lại: Đây sẽ là gánh nặng trong tình hình khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới hiện nay (có thể tình trạng suy thoái kinh tế còn tiếp tục kéo dài), và khi trình độ của thể thao nước nhà còn đang ngụp lặn ở “vùng trũng Đông Nam Á”, việc đăng cai tổ chức Asiad 2019 rõ ràng chưa cần thiết, lợi bất cập hại. Vậy nên hiểu vấn đề này ra sao?

Trong 16 kỳ tổ chức trước đây, Thái Lan có tới 4 lần làm nước chủ nhà; các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã 2 lần làm nước chủ nhà; các nước Philippines, Indonesia, Iran và Qatar đều đã 1 lần làm nước chủ nhà. Như vậy việc nước ta đăng cai tổ chức Asiad 2019 cũng là để cùng lần lượt gánh vác nhiệm vụ với cộng đồng quốc tế.

Tại Asiad Quảng Châu (Trung Quốc năm 2010) có 43 nước - lãnh thổ giành được huy chương, trong đó Việt Nam xếp thứ 26 với 1 huy chương vàng (HCV), 17 huy chương bạc và 15 huy chương đồng. 10 nước - lãnh thổ dẫn đầu có từ 6 HCV trở lên, trong đó Trung Quốc hạng nhất với 163 HCV, Hàn Quốc hạng nhì (63 HCV), Nhật Bản hạng ba (33 HCV). Từ đó, đặt chỉ tiêu tại Asiad 18 Việt Nam phấn đấu lọt vào nhóm 10 quốc gia dẫn đầu, với khoảng 10 - 15 HCV như lời tuyên bố của một số vị lãnh đạo thể thao nước ta, theo tôi là không có cơ sở.

Về kinh phí tổ chức, trong những kỳ Asiad gần đây, không có quốc gia nào làm nổi chỉ với vỏn vẹn vài trăm triệu USD. Chẳng hạn như Asiad Busan năm 2002, Hàn Quốc thực chi đến 2,9 tỷ USD, trong khi thu về chỉ có 223 triệu USD. Asiad Quảng Châu năm 2010 cũng vậy, con số Trung Quốc thực chi lên tới hơn 10 tỷ USD, trong khi thu về chỉ được 450 triệu USD. Do vậy, cho rằng “150 triệu USD là con số khả thi để tổ chức Asiad 18”, thậm chí “cũng có thể chi phí sẽ không đến 150 triệu USD” như lời 2 vị quan chức thể thao nước ta đã phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây rõ ràng là “nói lấy được”, cần phải xem lại.

Dù sao, nước ta cũng đã nhận đăng cai tổ chức Asiad 2019. Từ đây đến năm 2019 chỉ còn một khoảng thời gian ngắn ngủi chưa đầy 7 năm. Những việc cần làm còn ngồn ngộn trước mắt, do vậy phải bắt tay vào làm ngay với lịch trình và bước đi cụ thể, thận trọng và có bài bản, sao cho Asiad Hà Nội 2019 coi được, không quá tệ hại. Muốn vậy, những người có trách nhiệm cần tránh nói “những lời có cánh”, cần khẩn trương nhưng không khoa trương; nhất là phải hết sức tránh tiêu cực, lãng phí, trong điều kiện nước ta còn nghèo, phần lớn người dân còn phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu hàng ngày.

Phan Trọng Hiền (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục