Thương hiệu tuổi trẻ
“Nhắc đến thanh niên, sinh viên TPHCM phải nói đến Chiến dịch tình nguyện hè - một mô hình đã thực sự lan tỏa, đi vào lòng người dân ở TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành trong cả nước nói chung”, anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, khẳng định.
Chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên, sinh viên TP tiền thân là chương trình Ánh sáng văn hóa hè, lần đầu được Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM phát động vào năm 1994 và thí điểm tại huyện Bình Chánh. Với sứ mệnh xóa mù chữ, đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục của TP, chỉ sau 3 tháng, Ánh sáng văn hóa hè đã tạo tiếng vang lớn trong phong trào tình nguyện thời điểm ấy, nên sau đó được mở rộng ra tất cả các huyện ngoại thành TPHCM. Qua 3 mùa thực hiện chiến dịch, năm 1996, TPHCM đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, nhiệm vụ của Ánh sáng văn hóa hè hoàn thành.
Để duy trì và phát triển thành quả ấy, năm 1997, Thành đoàn TPHCM quyết định đẩy mạnh phong trào tình nguyện lên bước cao mới với phương thức, nội dung và cách vận động mới. Từ đó, Chiến dịch Mùa hè xanh ra đời, được duy trì cho tới ngày nay và lan tỏa khắp cả nước. Từ 700 tình nguyện viên ban đầu, sau 22 năm, Chiến dịch Mùa hè xanh đã thu hút hơn 150.000 lượt thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh thành và nước bạn Lào, Campuchia với hàng triệu ngày công, giá trị làm lợi cho xã hội hàng trăm tỷ đồng.
Tiếp nối thành công đó, với mong muốn lan tỏa mạnh mẽ phong trào tình nguyện và khơi sức các thành phần thanh niên, Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM tiếp tục triển khai các hoạt động nằm trong Chiến dịch tình nguyện hè như: Tiếp sức mùa thi, Kỳ nghỉ hồng, Hoa phượng đỏ, Hành quân xanh.
Từ ý nghĩa và sức lan tỏa ấy, mô hình Chiến dịch tình nguyện hè của Thành đoàn TPHCM và Ngày hội nữ tu làm công tác xã hội từ thiện của Hội LHPN TPHCM đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM” lần thứ 1 năm 2019. |
Gieo yêu thương cho đời
Có mặt tại ngày hội của các học viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (đóng tại tỉnh Bình Phước), chúng tôi xúc động trước không khí rộn ràng và ánh mắt hạnh phúc của mọi người khi tham gia các hoạt động do nữ tu đại diện cán bộ, hội viên nữ tu các cơ sở Phật giáo, Công giáo, Cao đài trên địa bàn TPHCM cùng Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) 24 quận huyện và Hội Phụ nữ Công an TPHCM tổ chức. Hình ảnh nữ tu đến các bàn ăn động viên, tặng quà, đút từng muỗng cơm cho các cụ già lớn tuổi, người khuyết tật nặng, đã chạm vào trái tim của nhiều người.
Bà Đỗ Thị Chánh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết Ngày hội Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện là minh chứng sinh động cho tư tưởng nhập thế tích cực, ích đạo lợi đời bằng những đóng góp cụ thể của nữ tu các tôn giáo. Nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn những người phụ nữ sống tốt đời đẹp đạo đã lan tỏa yêu thương đến với mọi người. |
Điều ý nghĩa nhất chính là ngày hội đã giúp kết nối được các hoạt động thiện nguyện rời rạc theo từng nhóm nhỏ thành dịp, tạo nên giá trị lớn cho cộng đồng. Đến nay, ngày hội còn được nhân rộng tại nhiều quận huyện bằng các hoạt động đa dạng, phong phú từ đó tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa tổ chức hội, cư dân với các nữ tu, chức sắc tôn giáo. Đồng thời, qua các phong trào đã giúp nữ tu hiểu hơn về các hoạt động xã hội, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, Hội LHPN không chỉ kết nối nữ tu các tôn giáo khác nhau cùng tham gia, mà còn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện các chương trình an sinh xã hội của thành phố nghĩa tình.
Triển lãm ảnh đồng bào các dân tộc TPHCM Ngày 12-11, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ban tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM đã khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc TPHCM bình đẳng, đoàn kết, phát huy nội lực cùng xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, nhằm chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III nhiệm kỳ 2019-2024. Triển lãm với hơn 120 ảnh, được chia làm 3 phần. Trong đó, phần 1 với chủ đề “Đồng bào các dân tộc thiểu số vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất”, giới thiệu đồng bào dân tộc thiểu số một lòng kiên trung, theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; những tình cảm đặc biệt của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, niềm kính yêu, niềm tin vô hạn và mãi mãi của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Người. Phần 2 và phần 3 là các chủ đề “TPHCM có 52 dân tộc cùng sinh sống”, “Các dân tộc thiểu số TPHCM đoàn kết cùng TP phát triển”, với nhiều hình ảnh về 52 dân tộc đang sinh sống và đồng hành với sự phát triển của TPHCM, tinh thần “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” và Đảng bộ, chính quyền TPHCM luôn quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc thiểu số. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17-11-2019. HOÀI NAM |