Chung tay duy trì vỉa hè thông thoáng

Sau thời gian yên ắng do giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở TPHCM tiếp diễn, ít nhiều ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Buôn bán lấn chiếm lòng đường trên đường Lê Đại Hành, quận 11. Ảnh: CAO THĂNG
Buôn bán lấn chiếm lòng đường trên đường Lê Đại Hành, quận 11. Ảnh: CAO THĂNG

Đường lớn, đường nhỏ đều có thể bị lấn chiếm

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT TPHCM, toàn địa bàn TP hiện có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, với tổng chiều dài 4.044km. Trong số 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên này, có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m, với chiều dài 2.328km, tương đương 57,59% và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên, với chiều dài 1.716km. Như vậy, theo tinh thần Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23-10-2008 của UBND TPHCM, tính ra có 42,41% chiều dài các tuyến đường có thể xem xét cho phép đậu xe dưới lòng đường.

Trong khi đó, trong 4.869 tuyến đường nêu trên, đáng tiếc, khi có 2.598 tuyến đường với chiều dài 2.074km không có vỉa hè. Trong số 2.271 tuyến đường có vỉa hè thì chỉ có 772 tuyến đường với chiều dài 451km có vỉa hè rộng từ 3m trở lên và 1.499 tuyến đường với chiều dài 1.428,3km có vỉa hè rộng dưới 3m. Với đặc điểm có hơn một nửa số tuyến đường không có vỉa hè nên đã xảy ra tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường. Đối với các tuyến đường có vỉa hè thì cũng chỉ có hơn 27% chiều dài phần vỉa hè có thể xem xét, cho phép sử dụng tạm thời mục đích ngoài giao thông.

Không chỉ có thế, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố còn biểu hiện dưới nhiều dáng vẻ khác. Đó là tình trạng các hộ mặt tiền kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe, hàng hóa, bảng hiệu. Tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè. Tình trạng đưa rác thải ra đường hoặc tập kết rác ngoài đường trong lúc chờ xe thu gom. Công tác xử lý xe 3-4 bánh thô sơ, xe tự chế không được thực hiện triệt để, đặc biệt tại khu vực vùng ven và ngoại thành. Tình trạng ô tô dừng đậu tại các tuyến đường có biển báo cấm dừng đậu xe, nhất là tại các siêu thị, trung tâm tiệc cưới, nhà hàng, trường học, bệnh viện… Tình trạng đậu xe nhiều giờ trên một số tuyến đường, ngay cả những đường có biển báo cấm dừng, cấm đậu. Vẫn còn phổ biến tình trạng kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng lề đường, họp chợ tự phát. Bên cạnh đó, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông như tiệc cưới, tang lễ… vẫn còn khá phổ biến; từ đó cũng ít nhiều góp phần ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (ATGT). Nhiều vỉa hè có tình trạng người dân xây, đặt bục, bệ trái phép làm ảnh hưởng đến ATGT và mỹ quan đô thị.

Phải xác định vai trò nòng cốt

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban ATGT TPHCM, nhận xét rằng, công tác quản lý, lập lại trật  tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP thời gian qua, tuy có những mặt làm được nhưng cũng có những tồn tại cần giải quyết. Về mặt tích cực, hầu hết các quận huyện đều có nỗ lực trong việc thực hiện giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Nhiều quận huyện thường xuyên ra quân kiểm tra, rà soát nên cũng tạo được chuyển biến bước đầu, như các quận 1, 3, 4, 6, Thủ Đức và huyện Củ Chi. Một số quận huyện có giải pháp, mô hình hay, như quận 1 tổ chức các lực lượng chức năng địa phương phối hợp ra quân lập lại trật tự lòng lề đường. Hay như Đội quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân dùng điện thoại nhắn tin SMS cho cá nhân, tổ chức kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè trên địa bàn quận…

Ở chiều ngược lại, tại một số quận huyện, việc giải quyết trật tự lòng lề đường vẫn chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt; sau khi kiểm tra xử lý thì tái phát nạn lấn chiếm, buôn bán tràn lan. Loại hình buôn bán hàng rong bằng xe đẩy dưới lòng đường vẫn còn khá phổ biến, gây cản trở giao thông. Chợ tự phát tuy có giảm nhưng chưa dứt điểm, tập trung nhiều quanh các khu công nghiệp, vùng ven. 

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc cho rằng, một trong những mấu chốt để giải quyết vấn nạn này là cần phải xác định vai trò nòng cốt, quan trọng của chính quyền cơ sở. Theo đó, chủ tịch UBND các quận huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND TP trong việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn do mình quản lý. TP cần xem xét xử lý trách nhiệm đối với các chủ tịch UBND quận huyện không hoàn thành nhiệm vụ, để trật tự lòng đường, vỉa hè diễn biến phức tạp. 

UBND các quận huyện và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ 3-4 bánh, theo tinh thần Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2008; không để tình trạng sản xuất, sử dụng tràn lan xe 3-4 bánh thô sơ, xe  tự chế. Trong khi đó, UB MTTQ TPHCM có thể hỗ trợ hiệu quả cho công tác lập lại trật tự lòng lề đường, bằng cách tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị trong công tác tuyên truyền, giám sát đối với việc thực hiện quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Không xem xét công nhận khu phố văn hóa còn tình trạng lòng lề đường phức tạp, mất trật tự.

NTheo nhiều chuyên gia lĩnh vực giao thông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, cả chủ quan lẫn khách quan. Đó là: nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra; nhiều tuyến đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè rất hẹp, chưa kể thực trạng xuống cấp vỉa hè; chợ truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, dẫn tới chợ tự phát; kinh doanh vỉa hè tại TP từ lâu đã trở thành một loại hình văn hóa trong kinh doanh, tức là rất khó thay đổi; công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chưa sâu sát dẫn tới chưa tạo được tính thuyết phục, sự đồng thuận của người dân; công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm chưa thường xuyên, liên tục, thiếu kiên quyết, nhất là ở cấp phường xã; từ đó dẫn tới dư luận cho rằng, có tình trạng bao che, bảo kê…

Tin cùng chuyên mục