Ngày 10-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng chủ trì cuộc họp sơ kết chương trình bình ổn thị trường Tết Canh Dần 2010. Dù còn vài ý kiến trái chiều, song có thể khẳng định, chương trình đã thực sự thành công trong việc hạ nhiệt những điểm nóng tăng giá bất hợp lý vào cao điểm tết, tạo thêm công cụ giúp TP chủ động đối phó với việc tăng giá ở 8 nhóm hàng thiết yếu.
Chủ động nguồn hàng
Theo nhận định của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, sau 7 năm TPHCM thực hiện chương trình bình ổn giá tết đã giúp các doanh nghiệp (DN) ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc dự trữ nguồn hàng. Việc tạo nguồn hàng tốt là cơ sở để các DN chủ lực của TP có đủ sức chi phối thị trường cả về số lượng lẫn giá hàng hóa.
Một trong những điểm mới trong năm nay, ngoài việc các DN thiết lập hệ thống tiêu thụ hàng đúng giá lên 1.508 điểm (tăng gấp 3 lần so với năm 2009), Sở Công thương đã thiết lập đường dây nóng với 2 số điện thoại (38296282 và 38297550) để giúp tổ công tác chủ động cân đối cung cầu. Nhiều cuộc gọi thông báo tình trạng tiểu thương đẩy giá bán bất hợp lý đã được tổ điều hành phối hợp với DN, tổ chức đưa xe bán hàng lưu động đến tận nơi. Điển hình như trường hợp Công ty Vissan tổ chức chuyển 300 kg thịt heo ra chợ Thủ Đức để dập tắt việc tăng giá nóng đối với mặt hàng này.
Tại Cần Giờ, các ngày giáp tết giá trứng gia cầm đã bị đẩy lên mức 20.000 đồng/chục trứng gà và 30.000 đồng/chục trứng vịt, Công ty Ba Huân và Huỳnh Gia Huynh Đệ phối hợp tổ chức một đội xe nhỏ trên 100 chiếc len lỏi vào tận các hẻm để bán hàng đúng giá cho người dân. Ở địa bàn nào có cửa hàng của các DN bình ổn giá thì giá bán các mặt hàng thiết yếu ở nơi đó rất ổn định.
Tương tự, ở nhóm hàng rau củ quả, trái cây giá bán trên thị trường năm nay không “tăng hỗn” vì TP đã giao cho 2 đơn vị là Saigon Co.op và Vissan cùng dự trữ để bình ổn giá. Chương trình đã tác động mạnh đến nhiều hệ thống siêu thị trong việc ấn định mức giá bán theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Chưa có năm nào, đến ngày 27 Tết, các hệ thống siêu thị như Co.opMart và Big C còn gửi thông báo giảm giá từ 5% - 25% đối với nhiều mặt hàng thiết yếu như trái cây, thực phẩm tươi sống và chế biến… Điều này có thể lý giải, vì sao TPHCM là địa bàn có mức cầu và doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm cao nhất nước, song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng cao điểm tết chỉ tăng 1,68% (Hà Nội là 2,61%), thấp hơn cả mức tăng bình quân của cả nước là 2%.
Hình thành liên kết trong sản xuất và phân phối
Chương trình bình ổn giá đã giúp các DN dần hình thành mô hình liên kết trực tiếp giữa người sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng chính đồng vốn hỗ trợ của TP ứng trước cho các hộ nuôi trồng, từ đó giảm thiểu chi phí trung gian, góp phần ổn định giá.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, ngay sau khi lập kế hoạch và nhận nguồn vốn giải ngân, các cán bộ của Saigon Co.op phải rong ruổi ở khắp các tỉnh, vào tận các nhà vườn để kiểm tra năng lực đáp ứng và tiến hành ứng vốn ngay cho họ. Riêng đối với nhóm hàng rau củ quả, ngoài việc cung ứng đủ số lượng thì chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
Tương tự, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cũng cho rằng, nhờ nguồn vốn hỗ trợ Ba Huân đã tạo việc làm cho nhiều hộ nông dân, ngược lại công ty cũng chủ động được nguồn hàng, không phải đi “ăn đong” như trước đây.
Hiện nay trên địa bàn TP đã dần hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các DN chủ lực thông qua mạng lưới phân phối rộng khắp. Khi vào các cửa hàng của Fooco Mart, người tiêu dùng sẽ mua được hàng của Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt và ngược lại. Còn khi vào các Co.opMart, khách hàng có nhiều lựa chọn để mua tất cả các mặt hàng thiết yếu với giá ổn định. Cũng trong dịp tết vừa qua, các DN đã phối hợp tổ chức trên 520 chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, chương trình bình ổn giá đã vượt ra ngoài TPHCM và lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đây là tiền đề, là cơ sở để TP triển khai đề án chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu để bình ổn giá trong suốt 365 ngày. Đề án này sẽ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, thể hiện vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Sẽ thực hiện bình ổn giá quanh năm Tại buổi sơ kết, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2010, TPHCM đang xây dựng Đề án Chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường TPHCM đến năm 2015, phục vụ cung cầu bình ổn thị trường và phục vụ người dân quanh năm. Có 8 nhóm mặt hàng thiết yếu được đưa vào đề án do TP chủ động điều tiết bao gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm và sữa. Các mặt hàng thiết yếu khác do Trung ương quản lý, TPHCM sẽ phối hợp để đảm bảo cung cầu hàng hóa cho người dân như xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, muối, sữa, cước vận chuyển hành khách… UBND TPHCM giao Sở Công thương hoàn chỉnh đề án để báo cáo Thường trực UBND TPHCM trong tháng 4-2010. |
THÚY HẢI