Kế hoạch trồng rừng mang tính cách mạng của LHQ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho các nước nghèo đang gặp thách thức. Nhiều nhóm hoạt động vì môi trường và các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi LHQ xem xét lại chương trình mang tên Redd (giảm phát thải từ tình trạng phá rừng và suy thoái rừng) vì cho rằng hàng tỷ USD cho chương trình này đang bị “rút ruột”.
Theo chương trình Redd, 37 nước, đa số là những nước có rừng nhiệt đới, được các nước giàu tài trợ 14 tỷ USD từ nay đến năm 2015 để đổi lại họ sẽ phải trồng rừng, giảm phá rừng với mục tiêu cắt giảm từ 17% - 20% lượng khí thải gây biến đổi khí hậu.
Theo điều tra của tờ nhật báo Anh The Observator, CHDC Congo có kế hoạch sang nhượng 10 triệu hécta rừng để khai hoang. Nước này biện minh rằng họ sẽ trồng lại một diện tích rừng tương đương ở nơi khác. Thế nhưng, điều đó không thể khiến cộng đồng thế giới an tâm khi mà CHDC Congo bị xếp vào một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Một quốc gia tại Nam Mỹ là Guyana cũng dự tính dùng một phần số tiền từ chương trình Redd để trả cho một nhà kinh doanh bất động sản Mỹ xây dựng một con đường và một nhà máy thủy điện ngay tại khu vực rừng rậm của nước này. Indonesia thông báo sẽ ngừng cho phép chuyển nhiều khu rừng thành vườn trồng cọ nhưng chỉ áp dụng từ sau năm 2013. Từ giờ tới đó, những tay “sát thủ” cây rừng tiếp tục được phép hoạt động. Tình trạng đáng báo động chung của một số nước nhận tài trợ trồng rừng là họ cố tình khai số diện tích rừng bị phá cao hơn thực tế và vẫn tiếp tục làm ngơ với các hoạt động khai thác gỗ để nhận được tiền tài trợ nhiều hơn. Như vậy, xem như chẳng cần phải cố gắng giữ rừng mà còn được nhận nhiều tiền tài trợ.
Bên cạnh tình trạng làm ngơ với các hoạt động phá rừng, nhiều tổ chức quốc tế như Hòa bình xanh, Nhân chứng toàn cầu, Tổ chức rừng mưa nhiệt đới… cáo buộc một số chính phủ đã vận động để có một quota khí thải cao hơn thực tế, tạo điều kiện cho việc phá rừng tiếp diễn. Theo chuyên gia về tội phạm môi trường của Interpol, ông Peter Younger: “Hồi chuông báo động đang vang lên. Redd quá to lớn nên khó theo dõi. Nguy cơ tiêu cực từ chương trình này quá lớn nhưng chưa được tính đến”.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng Redd từng được mô tả là cách thức nhanh và rẻ nhất để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu nhưng những gì đang diễn ra cho thấy chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhìn nhận một cách khách quan hơn, cuộc chiến chống phá rừng trên thế giới càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dân số gia tăng nhanh tạo ra áp lực về kinh tế và tình trạng đô thị hóa. Trước đây, bảo vệ rừng được nhìn nhận ở tầm vóc quốc gia nhằm góp phần giảm nhẹ thiên tai, duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…
Hiện nay, nhiệm vụ đó càng nặng nề hơn vì nó bao hàm cả việc chống biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu. Vì vậy, để tiếp tục duy trì chương trình Redd, không còn cách nào là phải tiến hành thêm nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo rằng diện tích rừng trên thế giới được bảo tồn và phát triển trong những năm tới, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Vũ Minh