Phát huy vai trò chủ động của giáo viên
Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), đồng thời là một trong những tác giả viết sách Tự nhiên và Xã hội lớp 3 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), cho biết, chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 có sự kế thừa chương trình lớp 1, 2 triển khai CT GDPT 2018 do thiết kế theo dạng đồng tâm. So với chương trình trước đây, chương trình mới tập trung cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, hướng đến mục tiêu hình thành năng lực, phẩm chất cá nhân của học sinh. Do đó, để phát huy hiệu quả tổ chức lớp học, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh tham gia nhiều hoạt động như sắm vai, thảo luận nhóm, làm sản phẩm, vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn.
Đồng quan điểm, cô Lý Khánh Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú), thông tin, nếu như ở chương trình giáo dục trước đây, mỗi bài học triển khai trong một tiết thì với CT GDPT 2018, giáo viên được trao quyền chủ động phân bổ số tiết dạy của mỗi bài phù hợp năng lực tiếp nhận của học sinh và điều kiện dạy học thực tế của đơn vị.
Đối với môn tiếng Việt, cô Thái Thị Quỳnh Trang, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 1, phân tích, trong CT GDPT 2018, hoạt động khởi động có chức năng dẫn dắt vào bài học. Bên cạnh đó, yêu cầu vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn không phải lúc nào cũng triển khai cuối bài học. Giáo viên có thể chủ động tổ chức các bài luyện tập, thực hành ở nhiều mức độ, lồng ghép trong các đơn vị kiến thức.
Đặc biệt, điểm khác biệt lớn nhất của CT GDPT 2018 so với trước đây là không thiết kế chương trình theo các phân môn tập đọc, kể chuyện, tập viết, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn. Thay vào đó, thông qua một ngữ liệu nguồn, học sinh được rèn cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Đồng thời, đối với yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, chương trình mới cho phép giáo viên dựa vào trình độ, năng lực tiếp thu của học sinh để đưa ra yêu cầu phù hợp. Đơn cử, học sinh có năng lực đọc tốt sẽ được yêu cầu đọc trôi chảy cả văn bản đọc, học sinh có năng lực đọc thấp hơn chỉ đọc 2/3 bài, nâng dần mức độ đến cuối năm học.
Riêng đối với môn Toán, nhà giáo Nguyễn Kính Đức, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, cho biết, trong CT GDPT 2018, dạng toán có lời giải không được tổ chức thành một mạch kiến thức riêng biệt như chương trình cũ mà được lồng ghép trong nội dung các bài học với tên gọi hoạt động “vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn”. Ngoài ra, bên cạnh nội dung “cứng” trong mỗi bài học, sách giáo khoa thiết kế thêm các hoạt động mở rộng kiến thức, khuyến khích học sinh tham gia nhưng không bắt buộc, nên cần vai trò định hướng của giáo viên.
Đa dạng phương pháp dạy học
Trước câu hỏi sĩ số học sinh/lớp có ảnh hưởng hiệu quả triển khai CT GDPT 2018 hay không, cô Mai Thị Kim Phượng cho rằng, sĩ số học sinh/lớp đông hay ít không quyết định hiệu quả triển khai chương trình. Quan trọng là giáo viên biết sử dụng phương pháp tổ chức phù hợp số lượng, trình độ học sinh. Nếu lớp học sĩ số đông, giáo viên có thể phối hợp các tổ chức đoàn thể trong nhà trường để triển khai hoạt động học tập phù hợp. Theo cô Kim Phượng, hoạt động trải nghiệm không nhất thiết phải tổ chức ngoài khuôn viên trường học mà có thể tận dụng điều kiện sẵn có như vườn trường, không gian đọc trong thư viện...
Cùng nhận định, cô Thái Thị Quỳnh Trang dẫn chứng, đối với hoạt động nhóm, nếu số lượng học sinh/nhóm đông, thay vì tổ chức cho cả nhóm trình bày ý tưởng trên một tờ giấy thì giáo viên có thể chuẩn bị cho mỗi học sinh một mẫu giấy ghi chép, các em viết ra ý kiến của mình, sau đó tập hợp các mẫu giấy lại, dán lên bảng trình bày chung của nhóm.
“Điều kiện dạy học mỗi nơi không giống nhau nên không thể áp dụng quy trình chung trong dạy học, mà giáo viên cần phát huy tối đa khả năng sáng tạo. Trong đó, các thầy, cô giáo linh hoạt kết hợp các hoạt động giáo dục cá nhân và tập thể để qua đó phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh”, cô Trang nêu ý kiến.
Trước đó, vào giữa năm 2021, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết CT GDPT 2018 đối với lớp 1. Qua đánh giá ở các trường học, học sinh có sự tiến bộ rõ rệt về phẩm chất, năng lực cá nhân, thể hiện được sự tự tin, tích cực trong giao tiếp và tư duy. Đây là một trong những tiền đề giúp thành phố tiếp tục mở rộng triển khai đối với các lớp học tiếp theo, kết hợp song song với các biện pháp như giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường.
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TPHCM, 6.956 cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện sẽ tham gia bồi dưỡng trực tiếp từ ngày 26-7 đến hết ngày 3-8; gần 200 người tham gia bồi dưỡng trực tuyến tại các điểm cầu. Các bản sách giáo khoa được bồi dưỡng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Huế. |